Ngày 11-9, trao đổi với phóng viên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết chính sách mới của Ấn Động gây "chấn động" trong ngành. "Tạm thời các doanh nghiệp gạo ngưng chào bán, ngưng giao dịch vì lo ngại sau khi chốt giá thì giá sẽ tăng tiếp. Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm và áp thuế xuất khẩu gạo đến 20% do hạn hán, mất mùa, sản lượng sụt giảm nên tình hình sẽ tác động dài hạn." – giám đốc một doanh nghiệp gạo nhận định.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Trong năm 2021, nước này đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của 4 nước xuất khẩu lớn liền kề cộng lại, gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Những năm gần đây, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ 6-6,5 triệu tấn/năm.
Thị trường gạo tác động mạnh bởi động thái mới của Ấn Độ
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.
Được biết, những năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhập khẩu gạo Ấn Độ, đặc biệt là tấm và một số dòng gạo giá rẻ để phục vụ cho chế biến và ngành thức ăn chăn nuôi.
Theo Thương Vụ Việt Nam tại Ấn Độ, nước này đã ban hành quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken - rice) và áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số mặt hàng như: thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090), hiệu lực từ ngày 9-9.
Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15-9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống.
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Ông V.K Rao, Chủ tịch Hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nhận định giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn hiện nay, trên cơ sở giao hàng tự do.
Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này, như Trung Quốc đã nhập 1,1 triệu tấn năm 2021 và Việt Nam đã nhập 433.000 tấn năm 2021.
Bình luận (0)