Phải thừa nhận thực tế, trong lúc hàng loạt tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách, tăng cường kiểm soát người lưu thông thì hàng hóa nghẽn ở một số nơi là tất yếu. Huống gì khu vực TP HCM và Đông Nam bộ với hơn 20 triệu dân là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ của tất cả các tỉnh, thành khác.
Và càng không ai lãng mạn đến mức muốn rằng hàng hóa giữ được giá khi mà những chi phí gián tiếp như giá xăng dầu tăng, nhân công khan hiếm, điều kiện lưu thông khó khăn…
Việc cần phải chấp nhận là có những mặt hàng tăng giá, trong biên độ chịu đựng được của hầu bao từng gia đình. Lúc này, vai trò điều tiết của nhà nước, của từng địa phương mang tính quyết định.
Cũng trong những ngày này, có nhiều clip được tải lên mạng xã hội về nội dung trần tình của một số nông dân trồng rau, củ. Bối cảnh được cho là ở ngay tỉnh Đồng Nai, người nông dân vừa cắt rau vừa bức xúc: "Mọi người cứ trách tụi tôi tăng giá gấp nhiều lần thì oan quá. Tui chưa bao giờ tăng giá bán, rau không có người mua để già trên vườn. Ai mua tui cảm ơn không hết, có đâu mà tăng giá". Người này nói thẳng: "Chỉ có thương lái, đầu nậu và mấy ông bán tăng giá".
Tình cảnh này cũng xuất hiện ở nhiều vườn rau và các điểm chăn nuôi tại Đà Lạt, Bình Phước, Quảng Nam… Giá rau tại vườn vẫn thấp, giá thịt luôn bị thương lái khống chế, thậm chí không mua, nông dân rất lo lắng.
Thực trạng thương lái khống chế giá cả, hưởng chên lệch cao nhất không phải bây giờ mới diễn ra. Lợi nhuận cao nhất luôn rơi vào túi thương lái và những ông chủ cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Phần thiệt thòi nhất, rủi ro nhất luôn được đẩy về phía nông dân, bởi họ không có nguồn tài chính đủ mạnh, không có điều kiện đủ lớn để kết nối thành các "thế lực" thực sự nắm được nguồn hàng hóa từ ruộng vườn nhà mình đến bàn ăn người tiêu dùng. Rau củ cũng thế, thịt cá cũng thế, gạo bắp cũng thế… chỉ kiếm chút lãi và trang trải chi phí sản xuất.
Kết nối từ nông dân đến người tiêu dùng có khó không khi chúng ta có hệ thống quản lý đầy đủ các ngành từ trung ương đến tận xã, phường? Chúng ta tin rằng không khó dù ngay trong thời điểm này.
Còn với doanh nghiệp và nhà buôn, sự kết nối, vận chuyển hàng hóa cũng không quá khó khăn khi các phương tiện vận chuyển thực phẩm được ưu tiên đến các TP. Thậm chí TP HCM còn yêu cầu tạm dừng thu phí ở các trạm BOT để tạo thuận lợi cho người dân.
Có đủ sự quan tâm, ắt có đủ giải pháp. Hãy nhìn cách làm của những nhóm thiện nguyện: Tổ chức nhiều chuyến xe với vài mươi tấn rau xanh từ Đà Lạt đến TP HCM. Tại đây, có người đã được kiểm tra y tế nhận hàng và phân phối đến từng điểm nhỏ. Không có điểm phân phối hàng họ đưa đến phát miễn phí ở các chung cư, ở bên vệ đường gần khu công nghiệp, ở các tuyến đường ngoại thành… Hàng chục tấn heo, gà, mắm, rau… cũng bằng cách tương tự được chuyển từ các tỉnh miền Trung vào cho những người thân ở TP HCM mà không hề bị ách tắt.
"Các ông chủ thiếu gì lúc để kiếm tiền". Câu nói của một bà nội trợ trên mạng xã hội đã phản ánh chân thật nhất cảm xúc của người trong cuộc.
Đây là lúc chia sẻ khó khăn với người khác chứ không phải tranh thủ tăng lợi nhuận. Nên nhớ, dù là bà nội trợ cũng có "quyền lực" của riêng mình: Quyết định mua hay không một sản phẩm, một nhãn hàng hay cả một thương hiệu.
Bình luận (0)