Giá hàng hóa, đặc biệt là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống tại các chợ đang tăng cao. Người tiêu dùng chuyển sang đi siêu thị, chợ đầu mối cho đỡ tốn kém.
Khách chọn mua cá tại chợ đầu mối Bình Điền
Té nước theo mưa
Đầu tháng 11-2010, một số siêu thị tại TPHCM tăng giá 3% - 25% hàng trăm mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dầu ăn, đồ gia dụng, nhôm, nhựa... Đại diện siêu thị Hà Nội cho biết nhà cung cấp nêu ra đủ lý do như tỉ giá tăng, vàng tăng, nguyên liệu tăng... để tăng giá. Nhiều nhà cung cấp muốn tăng giá hoặc đề xuất tăng giá không được siêu thị chấp nhận, lập tức gây áp lực bằng cách thông báo hết hàng, cung cấp nhỏ giọt hoặc tạm ngưng cung cấp hàng. Một số nhà cung cấp chọn hình thức khuyến mãi giảm giá, tặng quà hoặc thay đổi bao bì, giảm trọng lượng món hàng... để khéo léo tăng giá. Theo các siêu thị, không loại trừ khả năng nhà cung cấp “té nước theo mưa”.
Tại các chợ lẻ trên địa bàn TPHCM, ngoài những mặt hàng kể trên, tăng “rát” nhất trong nửa tháng nay là các loại rau, củ, quả, thủy hải sản tươi sống. Tại chợ An Đông (quận 5), Rạch Ông (quận 8), Thị Nghè (quận Bình Thạnh), giá nhiều mặt hàng dùng trong bữa cơm hằng ngày vẫn đứng ở mức cao và tăng nhẹ: dưa leo 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, xà lách 35.000 đồng/kg, đậu cô ve 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg, bông cải trắng Đà Lạt 35.000 đồng - 37.000 đồng/kg, khoai tây hồng Đà Lạt 65.000 đồng/kg, cá rô 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg, cá điêu hồng 37.000 đồng - 45.000 đồng/kg, cá kèo 90.000 đồng - 120.000 đồng/kg, cá nục 35.000 đồng - 45.000 đồng/kg, cá thu 120.000 đồng - 130.000 đồng/kg... Một số tiểu thương chợ Thị Nghè cho rằng do ảnh hưởng của mưa lũ ở miền Trung, giá ở chợ đầu mối tăng nên họ phải tăng theo. Mức giá này đã “đứng” hơn một tuần nay, tùy theo buổi chợ mà dao động tăng, giảm 5.000 đồng - 3.000 đồng/kg.
Một cán bộ Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết vì theo dõi giá cả hàng hóa mỗi ngày nên vừa rồi ghé chợ gần nhà, chị “sốc” vì bị người bán “chém” quá “ngọt”: “Tôi mua 200 g tỏi 10.000 đồng, 300 g xà lách búp 11.000 đồng. Trong khi đó, tại chợ đầu mối, giá tỏi chỉ 35.000 đồng/kg, xà lách 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Không hiểu từ chợ sỉ về chợ lẻ, người bán cân, đo, đong, đếm và cộng chi phí thế nào mà bán quá đắt” - chị bức xúc.
Siêu thị, chợ đầu mối ổn định
Trong khi đó, tại các chợ đầu mối, lượng hàng về dồi dào, giá cả tương đối bình ổn. Theo bà Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, một số loại rau, củ, trái cây về chợ chỉ tăng nhẹ 500 đồng - 1.000 đồng/kg. Mức tăng này nằm trong biên độ dao động giá bình thường chứ không có đột biến.
Hơn một tháng nay, nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM giữ ổn định giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả. Thậm chí, một số siêu thị còn khuyến mãi giảm giá những mặt hàng này nên thu hút rất đông người nội trợ.
Hiện hệ thống Co.opMart giảm giá đến 50% cho 700 mặt hàng, trong đó, chanh dây còn 9.500 đồng/kg, cá kèo làm sạch 82.000 đồng/kg, bầu 7.900 đồng/kg... Tại BigC giảm giá 5% - 50% cho khoảng 1.200 mặt hàng; một số mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt tươi sống giảm từ 10% - 50%: quýt đường 20.900 đồng/kg, củ cải trắng 4.500 đồng/kg, bí đỏ tròn 4.400 đồng/kg, ớt xanh 7.400 đồng/kg, cá basa cắt khúc 31.900 đồng/kg, cá nục 25.900 đồng/kg, cá rô làm sạch 50.900 đồng/kg, đùi tỏi gà công nghiệp 59.900 đồng/kg...
Do giá hàng hóa tăng chóng mặt, giá bán sỉ và bán lẻ chênh lệch quá cao nên lượng khách mua lẻ tại chợ đầu mối ngày càng đông. Để tiết kiệm, không chỉ người ở gần mà ngay cả những cư dân ở cách chợ đầu mối 5 km - 10 km cũng tranh thủ đến đây mua sắm 1-2 lần/tuần. Khách mua hàng ở chợ đầu mối không sợ bị làm giá, cân thiếu hay nói thách. Thịt, cá, rau, củ, trái cây ở đây bán đầy đủ, loại nào cũng rẻ hơn vài ngàn đồng, có loại chỉ bằng 1/2 giá ở chợ: dưa leo 6.000 đồng/kg, tần ô 14.000 đồng/kg, xà lách mỡ 20.000 đồng/kg, hành lá 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg, cá hường 25.000 đồng - 30.000
đồng/kg, cá rô 36.000 đồng - 42.000 đồng/kg, cá kèo 60.000 đồng/kg, cá điêu hồng 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg, sò huyết 35.000 đồng/kg...
Tăng điểm bán hàng bình ổn giá
Trước thực trạng chênh lệch giá quá cao giữa chợ đầu mối và chợ lẻ, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng nguyên nhân một phần do hệ thống phân phối thiếu liên kết. Sắp tới, sở sẽ tổ chức định kỳ các cuộc gặp gỡ giữa ban quản lý chợ đầu mối và các chợ cấp 1, cấp 2 để tăng sự liên thông, nếu phát hiện mặt hàng nào chênh lệch quá cao so với giá sỉ, ban quản lý các chợ sẽ có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, sở đang làm việc với UBND các quận - huyện để bố trí điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống, ngoài chợ truyền thống; đưa mặt hàng thủy hải sản vào danh sách bình ổn giá. Bước đầu, Tập đoàn Phú Cường đã đăng ký tham gia, cam kết cung cấp đủ hàng theo nhu cầu tiêu dùng của TPHCM, giá bán thấp hơn 10% so với sản phẩm cùng loại và giữ giá bán ổn định từ nay đến tháng 3-2011. |
Bình luận (0)