Giá lúa tại các tỉnh, thành ĐBSCL đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) đang gom hàng xuất khẩu nên đẩy giá lên để mua cho bằng được. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng với giá lúa cao như hiện nay, nông dân chỉ có lợi trước mắt. Còn sau đó, DN và nông dân, thậm chí cả thị trường lúa gạo Việt Nam, có thể sẽ bị ảnh hưởng vì thế giới sẽ “ăn gạo” của các nước khác.
Doanh nghiệp xuất khẩu chịu lỗ
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cuối tuần qua, giá lúa khô tại kho ở khu vực ĐBSCL tiếp tục tăng 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, lúa loại thường dao động 5.850-5.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.100-6.200 đồng. Giá gạo cũng tăng 200 - 300 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 9.300-9.400 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.850-8.950 đồng và gạo 25% tấm khoảng 8.300-8.400 đồng tùy chất lượng và địa phương.
Ông Lê Văn Tuấn - một thương lái chuyên tập trung xay xát gạo ở khu vực huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - cho biết giá lúa đang cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Các cánh đồng lúa ở khu vực Đồng Tháp, Long An đã thu hoạch. Trong khi đó, DN phải gấp rút thu gom để xuất khẩu và chuẩn bị cho đợt đấu thầu vào giữa tháng 8 nên giá lúa càng được đẩy lên cao.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, giá lúa tăng là do các DN đang thiếu hàng xuất khẩu vì trước đó đã vét sạch kho để giao hàng cho đối tác Philippines. Nếu tính giá hiện tại so với giá ký hợp đồng xuất khẩu, DN phải chịu lỗ 1.000 đồng/kg gạo.
Xuất khẩu chưa chắc thuận lợi
Theo VFA, xuất khẩu gạo cả nước từ đầu năm 2014 đến nay đạt 3,617 triệu tấn, trị giá FOB 1,56 tỉ USD, trị giá CIF 1,647 tỉ USD. Mới đây, VFA đã thông báo điều chỉnh giá hướng dẫn gạo xuất khẩu theo hướng tăng lên so với lần thông báo trước. Cụ thể, từ ngày 28-7, giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo trắng 25% tấm là 410 USD/tấn/FOB cảng Việt Nam, đóng bao 50 kg. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định. Trong lần thông báo hướng dẫn xuất khẩu gạo cách đó 10 ngày, giá gạo 25% tấm chỉ 375 USD/tấn FOB.
Chủ tịch VFA, ông Nguyễn Hùng Linh, cho rằng kế hoạch năm nay xuất khẩu 7 triệu tấn gạo có thể đạt được nhưng với tình hình giá lúa gạo tăng cao đột biến như hiện nay, các DN cần cẩn thận, không nên đẩy giá lên để thu mua cho bằng được, đồng thời chỉ nên ký hợp đồng xuất khẩu khi có hàng trong kho.
Ông Lâm Anh Tuấn - Ban Chấp hành VFA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát - cũng cho rằng với giá lúa gạo tăng như hiện nay, trước mắt nông dân có lợi nhưng số này không nhiều. Trong khi đó, DN phải chào giá cao ra thế giới chứ không dám bán giá rẻ, mà như thế thì sẽ mất thị trường.
“Nếu bán lỗ so với hợp đồng cũ mà hợp đồng mới chưa có thì rất rủi ro. Vì thế, tình hình xuất khẩu thời gian tới chưa chắc gặp thuận lợi” - ông Tuấn nhận xét.
Thực tế, gạo Việt Nam trong giai đoạn này cao nhất khu vực: Giá gạo lứt 7.650-7.700 đồng/kg (loại IR 50404), gạo dài 7.800-7.900 đồng/kg. Như vậy, giá thành cũng phải đến 465 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan chỉ 435 USD/tấn.
“Chỉ còn 2 tuần nữa là thu hoạch xong vụ hè thu, vì vậy giá lúa gạo khả năng sẽ còn tăng. Nếu DN cứ giẫm đạp nhau, đẩy giá lúa gạo lên cao thì chưa chắc xuất khẩu được với giá cao. Bởi lẽ, nếu giá gạo Việt Nam chênh lệch với các nước quá nhiều, chắc chắn xuất khẩu gạo của ta sẽ bị chững lại, khi đó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu” - ông Tuấn cảnh báo.
Rất ít nông dân trữ lúa
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
TP Cần Thơ, cho biết địa phương vừa thu hoạch dứt điểm lúa hè thu với năng suất ước đạt 6,25 tấn/ha. Giá lúa tươi được thương lái mua tại ruộng 5.700 - 5.800 đồng/kg đối với loại hạt dài và 4.600 - 4.700 đồng/kg với lúa IR 50404, tăng
150 - 225 đồng so với tuần trước và tăng gần 700 đồng/kg so với tháng 6.
Tỉnh Hậu Giang cũng đang gấp rút thu hoạch vụ hè thu để sạ lúa vụ thu đông. Ở một số huyện như Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ… còn khoảng 10 ngày nữa là nông dân thu hoạch dứt điểm. Tại Vị Thủy, thương lái thu mua lúa tươi IR 50404 thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp với giá 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa hạt dài 4.800-5.000 đồng/kg, tăng 200-500 đồng/kg so với đầu tháng 7.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện nông dân thu hoạch bao nhiêu là bán hết tại ruộng vì lúa đang có giá. “Họ phải bán lúa lấy tiền trả chi phí mua vật tư nông nghiệp, thuê mướn nhân công...” - ông Tự giải thích.
Ngoài ra, vì điều kiện thời tiết mùa mưa lũ, phơi sấy khó khăn, trong khi cần chi phí cho vụ thu đông nên nông dân không còn cách nào khác là thu hoạch phải bán ngay. Rất ít người trữ lúa trong kho chờ giá cao hơn để bán. C.Linh
Bình luận (0)