Theo ghi nhận, giá các mặt hàng rau tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tăng gấp 3 lần so với vài tháng trước, như xà lách cô-rôn (Mỹ) lên 50.000 đồng/kg; xà lách lôlô từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; tần ô (cải cúc) và bó xôi từ 25.000 - 35.000 đồng/kg; cải thảo, bắp sú từ 5.500 - 7.000 đồng/kg; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm khoảng 50.000 đồng/kg; sú tím 25.000 đồng/kg; cải dưa 18.000 đồng/kg... được các thương lái thu mua tại vườn.
Nhiều người trồng rau ở Đà Lạt phấn khởi cho rằng đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Nhiều nông dân tại tỉnh Lâm Đồng tỏ ra tiếc nuối do không có hàng để bán. Do thời tiết thất thường trong thời gian gần đây khiến rau ăn lá canh tác ngoài trời ở TP Đà Lạt và các huyện lân cận bị hư hại nhiều, năng suất kém. Các loại rau củ như hành tây, cà rốt, củ cải cũng tăng giá mạnh, thế nhưng các chủ vựa rau cho biết họ không thể đặt hàng cho khoảng 1 tuần tới. Hiện hàng trữ ở các kho của nông dân đã hết nhưng hàng mới thu hoạch lại chưa có... Thêm vào đó, nhiều diện tích trồng xà lách cô-rôn bị dịch bệnh khiến sản lượng giảm sút nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Định (phường 8, TP Đà Lạt; chuyên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) cho biết khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhiều nhà vườn không bán được rau, phải nhổ bỏ, làm phân, do thương lái không thu mua vì thị trường ế ẩm. Điều này khiến nhiều nhà vườn ngại xuống giống hoặc xuống giống với diện tích hạn chế để tránh thua lỗ... Nay mọi sinh hoạt trở lại bình thường, nhu cầu tăng cao khi nguồn cung giảm khiến giá rau tăng cao" - anh Định nói.
Nguồn cung nông sản Đà Lạt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 Ảnh: ĐÌNH THI
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, đánh giá tình hình sản xuất rau củ quả Đà Lạt mới ổn định trở lại. Hiện sản lượng rau mới đáp ứng cho khoảng 80% thị trường Đà Lạt. Còn để cung cấp đủ cho các tỉnh, thành phía Nam thì cần có thêm thời gian.
Hơn 1 tuần nay, lượng hàng của Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thảo Nguyên (TP Đà Lạt) giao về TP HCM giảm đến 1/3. Ông Nguyễn Lam Sơn, giám đốc công ty, cho biết trung bình mỗi đêm công ty giao khoảng 10-12 tấn nông sản các loại cho một số siêu thị, cửa hàng tại TP HCM nhưng nhiều ngày nay, lượng cung tối đa chỉ được 7-8 tấn. "Nông sản hụt hàng trầm trọng, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh" - ông Lam Sơn nói.
Theo ông Lam Sơn, dù đã sản xuất và kinh doanh nông sản Đà Lạt nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến giá tăng ở tất cả mặt hàng. "Chúng tôi cung cấp hàng cho các siêu thị nên cố gắng giữ giá theo hợp đồng đã ký, trong khi giá rau củ ngoài chợ tăng chóng mặt. Chẳng hạn, 1 kg bắp cải Đà Lạt bán tới người tiêu dùng ở siêu thị chỉ 13.000 - 14.000 đồng, trong khi bán về chợ đầu mối ở TP HCM ít nhất 16.000 - 17.000 đồng. Phải hơn 1 tháng nữa, nguồn hàng và giá cả nông sản Đà Lạt mới có thể trở lại bình thường" - ông Lam Sơn nhận định.
Do hàng bán về chợ đầu mối được giá hơn nên các thương lái, doanh nghiệp ở Lâm Đồng tập trung đưa hàng về đây. Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức xác nhận lượng rau củ Lâm Đồng (chủ yếu từ Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt) về chợ gần đây ổn định ở mức khoảng 700 tấn/ngày. So sánh bảng giá sỉ ngày 22-7 với tháng trước (ngày 24-6), giá một số mặt hàng tăng mạnh như: cà chua từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, bắp cải tròn từ 11.000 đồng lên 18.000 đồng/kg, bông cải xanh từ 22.000 đồng lên 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng có mặt hàng giảm giá mạnh. Riêng các loại hoa cắt cành (hoa cúng), dịp Tết Đoan ngọ có hiện tượng giá tăng gấp 2-3 lần trước đây do hụt nguồn cung thì nay giá cũng hạ nhiệt do nguồn cung được cải thiện.
Trong khi đó, theo đại diện Phòng Kinh doanh Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, lượng rau củ Đà Lạt về chợ trong những ngày gần đây đã dồi dào trở lại nên giá không còn cao như đầu tháng 7.
Lâm Đồng: Xuất khẩu rau, quả tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau, quả của tỉnh này trong 6 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng ấn tượng cả về lượng và giá trị. Ước tính sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng rau, quả sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác trong tháng 6 là 3.100 tấn và 5,5 triệu USD, tăng 55,5% về lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặt hàng rau, quả xuất khẩu ước đạt 14.000 tấn và 27,1 triệu USD, tăng 28% về lượng và tăng 16,5% về giá trị so với cùng kỳ.
Đ.Thi
Bình luận (0)