Theo Cục Chăn nuôi, đến nay đàn heo cả nước đã phục hồi được hơn 85% so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi (đầu năm 2019) với tổng đàn đạt hơn 26 triệu con (bao gồm heo giống). Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, tính đến tháng 10 vừa qua, tổng đàn heo thịt của Việt Nam đạt 19,856 triệu con, chỉ thấp hơn nhu cầu 125.000 con.
Nhiều yếu tố "đẩy" giá
Trên thị trường, sau những ngày giá heo hơi giảm trong tháng 9 và tháng 10, giá thịt heo đã quay đầu tăng trở lại. Theo ghi nhận của chợ đầu mối Hóc Môn, giá heo hơi loại 1 thương lái mua từ trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CP) đang ở mức 74.500 đồng/kg, cao hơn 6.500 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 12.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ, dự báo cung - cầu thịt heo những tháng cận Tết sẽ tương đối căng thẳng, giá thịt heo sẽ tăng cao như đầu năm 2020 do dịch tả heo châu Phi tái phát, nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, thịt heo nhập khẩu vẫn chưa thay thế được thịt heo trong nước. "Đặc biệt, từ 24 tháng chạp, sản lượng tiêu thụ thịt heo sẽ tăng dần, nhất là đêm 27 tháng chạp có thể tăng khoảng 50% so với lúc bình thường" - bà Liên nói thêm.
Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Tổng Giám đốc CP, cũng dự đoán xu hướng giá thịt heo sẽ tiếp tục tăng từ nay đến Tết. Theo ông Trí, mặc dù tổng đàn heo của CP ổn định, chiếm khoảng 15% thị trường nhưng dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều trại nhỏ đang bán ra heo "choai" 50-60 kg nên khoảng 1-1,5 tháng nữa thị trường sẽ thiếu heo thịt trọng lượng 100-120 kg. "Tuần rồi, heo hơi từ Thái Lan nhập về Việt Nam đã giúp kéo giá xuống nhưng từ nay đến Tết có quá nhiều yếu tố khiến thịt heo không thể giữ giá" - ông Trí nói.
Nguồn cung thịt heo giết mổ trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong Tết này. Ảnh: THANH NHÂN
Chủ động nguồn thịt heo đông lạnh
Với kinh nghiệm "sống chung" với giá thịt heo tăng phi mã trong năm 2019, đặc biệt là dịp Tết 2020, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối tại TP HCM đã chủ động nguồn hàng, bổ sung một lượng lớn thịt heo nhập khẩu. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp lớn để thu mua, phân phối 3.500 tấn thịt heo trong 3 tháng trước, trong và sau Tết. Nhà bán lẻ này đã chuẩn bị một lượng lớn thịt heo đông lạnh, sẵn sàng đưa ra thị trường để tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng và giảm phụ thuộc vào nguồn thịt giết mổ "nóng" trong nước.
Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn có kế hoạch bán ra thị trường 250-300 tấn thịt heo Tết, trong tình huống thị trường biến động mạnh, có thể bổ sung 25-50 tấn. Công ty Vissan cũng đã lên kế hoạch giết mổ, cung cấp 2.150 tấn thịt heo tươi sống (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ), 2.000 tấn thịt đông lạnh đóng gói quy cách 1-2 kg và chế biến thành thịt tẩm ướp sẵn cho khách hàng tiện sử dụng. Hai tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn (thuộc Tập đoàn Masan) dự kiến tăng sản lượng dịp Tết lên gấp 10 lần so với sản lượng sản xuất thông thường do có những dòng sản phẩm mới. Nhà sản xuất này dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường cả nước 1.577 tấn thịt tươi, 280 tấn thịt chế biến.
Lạc quan rằng thị trường thịt heo sẽ không có tăng giá sốc, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra), cho hay nguồn thịt đông lạnh hiện rất dồi dào, nhiều DN đang tiếp tục nhập khẩu đơn hàng mới. "Satra sở hữu kho lạnh lớn nhất nhì TP HCM, hiện 70% lượng hàng các DN đang gửi tại kho này là thịt. Giá thịt ba chỉ đông lạnh nhập từ Nga trước đây là 128.000 đồng/kg, nay chỉ xoay quanh mức 70.000 đồng/kg vì nguồn cung quá nhiều. Thịt nhập khẩu nhiều, giá rẻ thì thịt heo "nóng" trong nước khó có thể tăng quá cao" - ông Khoa phân tích.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến cuối năm 2020, cơ quan này đã kiểm dịch cho 212.000 tấn thịt heo do 130 DN Việt Nam nhập khẩu, gấp gần 2,2 lần so với năm ngoái. Nguồn nhập chủ yếu từ Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha… với chủng loại đa dạng từ thịt, xương đến nội tạng.
Ông Lâm Minh An, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Minh An (TP HCM), cho biết nguồn nhập từ Mỹ trong năm 2020 tăng nhờ thuế ưu đãi (từ 15% xuống 10%); ngoài ra còn có nguồn cung mới nổi lên là Nga. "Các tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo thắng lớn nên DN nào cũng tăng lượng nhập, nhiều DN mới tham gia nên cung vượt cầu. Công ty tôi cũng nhập thịt heo đông lạnh với lượng hơn gấp đôi năm trước. Hiện tồn kho thịt heo đông lạnh rất lớn, có thể đủ bán 3-4 tháng nữa. Một số DN buộc phải bán lỗ để xả hàng vì trữ lâu sẽ mất thêm hơn 100 triệu đồng/container/tháng" - ông An bày tỏ.
Theo ông An, người tiêu dùng bắt đầu quen với thịt đông lạnh, một số tiểu thương chợ truyền thống cũng mua thịt đông lạnh về bán lẻ khiến thị phần thịt đông lạnh gia tăng.
Giá thịt heo đông lạnh biến động từng ngày
Theo các DN, thông thường giá thịt đông lạnh phải rẻ hơn hàng trong nước 30% thì mới hấp dẫn người tiêu dùng. Giá thịt heo đông lạnh trong nước thường không liên thông với thế giới mà biến động từng ngày tùy theo thị trường. Khoảng 10 ngày gần đây ba rọi và chân giò đông lạnh bỗng dưng hút hàng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc. Trong đó, thịt ba rọi tăng giá khoảng 10.000 đồng/kg, lên mức 90.000 đồng/kg (giá sỉ) còn chân giò tăng 30.000 đồng/kg, lên mức 72.000 đồng/kg. Còn những dòng hàng chuyên phục vụ chế biến là mỡ, nạc đùi, nạc vai đang rất ế ẩm. Người tiêu dùng lẻ chủ yếu mua sườn non, cốt lết nên những mặt hàng này đang phải gánh giá cho những mặt hàng khó tiêu thụ.
Bình luận (0)