Tại các chợ Thái Bình, Hòa Bình, Thị Nghè, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai (TPHCM), giá thịt cá, rau củ, các mặt hàng thực phẩm chế biến đều đang ở mức cao. Giá thịt heo vẫn từ 90.000 đến 120.000 đồng/kg, tùy loại thịt. Tương tự, giá nhiều loại rau củ cũng “nhảy múa” vô tội vạ...
Nghịch lý thị trường
Điều nghịch lý là giá nhiều loại thực phẩm nguyên liệu đầu nguồn đang giảm khá mạnh. Giá heo tại các trại chăn nuôi hiện nay chỉ còn 36.000 đồng/kg (heo xấu), 40.000 - 41.000 đồng/kg (heo tốt), giảm thêm 2.000 đồng/kg so với tháng trước (so với đầu năm đã giảm hơn 10.000 đồng/kg). Theo giới kinh doanh, nhiều khả năng giá heo hơi sẽ còn tiếp tục giảm mạnh do dịch bệnh tai xanh đang hoành hành trở lại nên người chăn nuôi phải bán tháo. Tương tự, giá gà tại các trại chăn nuôi tiếp tục giảm thêm 2.000 đồng/kg, còn 30.000 đồng/kg (gà công nghiệp), 35.000 đồng/kg (gà tam hoàng). Người nuôi heo, gà đang lỗ khoảng 2.000 đồng/kg...
Giá đầu nguồn của một số mặt hàng khác cũng đang giảm mạnh như giá cá tra chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg (tức giảm đến 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 2 tháng), giá lúa gạo ở ĐBSCL cũng giảm liên tục... Tuy nhiên, giá bán lẻ các mặt hàng này ở chợ TPHCM vẫn rất cao. Một số bà nội trợ than: “Báo, đài cứ thông tin hết giá hàng này đến hàng khác giảm nhưng thực tế đi chợ hằng ngày giá vẫn cao ngất, muốn tiết kiệm cũng khó”.
Viện đủ lý do
Lý giải về giá thực phẩm chế biến vẫn còn ở mức cao, ông Komon Liamnimit, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, giải thích: Dù giá gia súc, gia cầm trên thị trường đang giảm nhưng thực chất người chăn nuôi đang lỗ vì giá thành chăn nuôi vẫn không giảm (con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... đều có mức giá cao). Do đó, CP chưa thể giảm giá các mặt hàng thực phẩm chế biến từ nguyên liệu gia súc, gia cầm.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Agifish, cho rằng thực phẩm chế biến từ thủy sản tiêu thụ nội địa phần lớn dựa vào nguồn phụ phẩm. Thời gian qua, nhiều nhà máy thủy sản giảm công suất, thậm chí đóng cửa, nên nguồn nguyên liệu này cũng không còn dồi dào như trước và giá cũng bị giữ ở mức cao. Còn ông Nguyễn Kim Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Việt Hương, cho rằng sức tiêu thụ giảm đến 30% gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nên hiện rất khó giảm giá sản phẩm...
Nhiều DN chế biến thực phẩm khác cũng giải thích do sức mua quá yếu (sức tiêu thụ nhiều mặt hàng đã giảm 20%-30% so với cùng kỳ năm ngoái) nên DN không dám giảm giá. Nếu giảm giá, sức tiêu thụ chưa chắc tăng song DN sẽ không còn lời do chi phí cao. Hơn nữa, việc thỏa thuận điều chỉnh giá với các đối tác bán hàng như siêu thị, cửa hàng... thường rất khó khăn. “Muốn giảm giá có thể dễ dàng nhưng sau này xin tăng giá trở lại rất khó nên tốt nhất là giữ giá chờ qua cơn khủng hoảng”- giám đốc một DN nói.
Cần trị “bệnh” TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ nhiệm Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết lâu nay giá cả hàng hóa, nhất là giá thực phẩm, chỉ có lên chứ không chịu xuống, đó là cái “bệnh” của thị trường. Vấn đề này cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc mổ xẻ cũng như có biện pháp trị “bệnh”. Trước mắt, có thể tuyên truyền vận động, kèm theo biện pháp quản lý việc đăng ký giá... |
Bình luận (0)