Khoảng 2-3 năm trước, từ 20 triệu đồng trở lên, người Việt mới mua được tour đi Hàn Quốc, trên 30 triệu đồng mới được đi du lịch Nhật Bản. Đến nay, giá tour đi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc… ở hầu hết các công ty du lịch đều khá rẻ, chỉ nhỉnh hơn tour đi các nước Đông Nam Á một vài triệu đồng. Cụ thể, mức phổ biến của các tour trọn gói đi Hàn Quốc 5 ngày 4 đêm giá từ 11,5 - 12 triệu đồng/khách, tour Nhật Bản từ 21-22 triệu đồng/khách 4 ngày 4 đêm… Thậm chí tour giá rẻ đi Hàn Quốc, Đài Loan... chỉ có 8-9 triệu đồng/khách.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty Fiditour, cho biết việc các hãng hàng không trong và ngoài nước, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ mở thêm nhiều tuyến bay thẳng từ Việt Nam đi các nước khiến chi phí vận chuyển thấp, góp phần làm giá tour ngoại hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, các chương trình du lịch nước ngoài với nhiều điểm tham quan mới kèm khuyến mại hấp dẫn được Tổng cục Du lịch các nước tung ra đã thu hút rất nhiều khách Việt tham gia.
Đơn cử, Hàn Quốc thường xuyên đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá tuyến điểm, kích cầu cùng với các đơn vị lữ hành để đưa ra các gói sản phẩm hấp dẫn. Tổng cục Du lịch Singapore cũng hay có chương trình hỗ trợ một phần chi phí cho các đoàn khách lớn, hay Đài Loan áp dụng chính sách visa nới lỏng, không cần chứng minh tài chính với du khách Việt như trước.
Một thống kê cho thấy mỗi năm có hàng triệu du khách Việt đi tour sang Trung Quốc. Trong ảnh: Du khách tham quan một ngôi chùa ở Hàng Châu, Trung Quốc Ảnh: Phạm Dũng
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam trong công tác xúc tiến, quảng bá và kích cầu nhằm thu hút khách Việt của Tổng cục Du lịch các nước cũng giúp tour ngoại ngày càng rẻ. Bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Vietravel, cho biết các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, cơ quan quản lý địa phương thường xuyên có các chuyến tham quan, làm việc với từng doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam.
"Họ sẽ tài trợ chi phí quảng bá theo năm, từng chiến dịch; giảm giá vé tham quan, khách sạn khi đưa khách đến du lịch tại các tỉnh của họ. Mức giá vé máy bay cũng ngày càng cạnh tranh, như các đường tour đến Nhật có giá tốt (dưới 30 triệu đồng) thường sẽ quá cảnh tại sân bay Singapore hoặc bay thẳng đến Nagoya, thay vì Tokyo hay Osaka" - bà Giang dẫn chứng.
Với thị trường Đông Nam Á, giá tour trong những năm gần đây không tăng vì giá dịch vụ của các nước này vẫn bình ổn kèm theo giá vé máy bay giảm so với trước kia. Việc các hãng liên tục tăng tần suất, số chỗ giúp giá vé máy bay giảm so với trước.
Thống kê cho thấy vài năm nay, lượng khách Việt đăng ký đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng, có năm tỉ lệ du khách xuất ngoại chiếm đến hơn 60% tổng lượng khách đăng ký đi du lịch. Điều này vô tình tạo sức ép đè nặng lên thị trường du lịch nội địa, đặc biệt trong việc giảm giá tour mà không giảm chất lượng dịch vụ. Theo các công ty du lịch, để giá tour du lịch nội địa có thể "cạnh tranh", thu hút hơn với du khách, cần kết nối tốt hơn các đơn vị cung cấp dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, điểm tham quan… nhằm duy trì mức giá tour ổn định, tránh chạy theo cung - cầu, "chặt chém", nhất là vào dịp lễ, Tết hoặc mùa hè.
Thực tế, việc du khách so sánh giá tour trong nước và nước ngoài là điều hiển nhiên. Và đây cũng là một kênh tham khảo để các cơ quan quản lý du lịch, đơn vị lữ hành nhìn nhận lại thị trường du lịch nội địa, từ đó nỗ lực hơn trong việc xây dựng sản phẩm, tăng chất lượng "kéo" du khách về lại sân nhà.
Bình luận (0)