Sau khi hồi phục vào cuối tuần rồi, giá vàng trong nước hôm qua (24-6) lại giảm mạnh, rơi xuống dưới 39 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng có phiên tuột dốc, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.
Dù giá vàng trong nước giảm mạnh nhưng vẫn còn cao hơn thế giới 6,3 triệu đồng/lượng Ảnh: HỒNG THÚY
Áp lực giảm giá vàng chưa dừng
Mở cửa đầu ngày, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp tại TP HCM mua vào 39 triệu đồng/lượng, bán ra 39,5 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 70.000 đồng/lượng. Trong ngày, xu hướng chính của giá vàng là giảm điểm khi rời mốc 39 triệu đồng/lượng rồi rơi xuống 38,85 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào chỉ còn 38,55 triệu đồng/lượng gần cuối ngày. Tính chung, giá vàng mất gần 600.000 đồng/lượng trong ngày sau khi giảm cả 1 triệu đồng/lượng vào tuần qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục có phiên đi xuống sau khi rơi khỏi ngưỡng cản 1.300 USD/ounce cuối tuần qua. Lúc 15 giờ (giờ Việt Nam), giá vàng chỉ còn 1.284 USD/ounce, giảm thêm khoảng 10 USD/ounce so với phiên đóng cửa cuối tuần.
Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục bán ra hơn 5,4 tấn vào phiên cuối tuần, giảm mức nắm giữ xuống còn 989,9 tấn. Đây là mức nắm giữ thấp nhất của quỹ này trong hơn 4 năm qua, cho thấy giới đầu tư không còn mặn mà với vàng. Dù hồi phục hơn 1,5% ở phiên cuối tuần nhưng với mức giảm 7% trong cả tuần qua, giá vàng thế giới đánh dấu tuần giảm điểm mạnh nhất 3 năm qua.
Theo Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), về mặt kỹ thuật, giới phân tích e ngại giá vàng sẽ giảm tiếp cho đến khi tìm được ngưỡng hỗ trợ mới tại mức 1.200 USD/ounce. Trái với đợt giảm giá gần 200 USD/ounce hồi tháng 4-2013, giá vàng hiện vẫn chịu nhiều áp lực bán kỹ thuật. Trong khi đó, lực mua vàng vật chất tại Ấn Độ không còn nhiều và chính phủ nước này đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm tránh nhập khẩu vàng làm tăng thâm hụt thương mại.
Đối với thị tường trong nước, theo ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), sau vài ngày lực cầu tăng mạnh, sức mua trong phiên ngày 24-6 đã chậm lại, tổng lượng giao dịch tại SJC chỉ hơn 2.000 lượng. Sức mua suy giảm khiến giá vàng trong nước giảm nhanh hơn thế giới, rút ngắn khoảng cách chênh lệch từ trên 7 triệu đồng/lượng xuống còn 6,3 triệu đồng/lượng vào hôm qua.
Chứng khoán giảm sâu
Giống như áp lực bán trên thị trường vàng, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ngày 24-6 cũng ồ ạt xả hàng khiến giá cổ phiếu đồng loạt lao dốc, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.
Việc Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trở lại trong tháng 6-2013 và việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 760 tỉ đồng trên sàn TP HCM khiến nhà đầu tư trong nước lo sợ. Kết quả là áp lực bán tháo xuất hiện từ giữa phiên buổi sáng kéo dài đến chiều, tập trung vào các cổ phiếu trụ cột của thị trường: MSN, VCB, GAS, BVH...
Đóng cửa, VN-Index giảm đến 9,1 điểm, tức mất 1,82% so với phiên cuối tuần trước và chốt tại mức 489,74 điểm, thấp nhất kể từ giữa tháng 5-2013. Khối lượng giao dịch chỉ còn 58,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1.111,27 tỉ đồng. Ở sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua khi giảm 0,71 điểm (1,11%) còn 63,55 điểm. Khối lượng giao dịch chỉ 37,64 triệu cổ phiếu, tương đương 300,45 tỉ đồng.
Một số chuyên gia cho rằng việc thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh còn do nhà đầu tư lo ngại về khả năng phá giá VNĐ so với USD. Bên cạnh đó là lệnh giải chấp của một số công ty chứng khoán sau khi thị trường đã có nhiều phiên giảm điểm liên tục kể từ ngày 10-6. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định: Thị trường đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh và có thể kéo dài đến hết quý III/2013.
Khó đoán diễn biến giá Theo giới kinh doanh vàng, dù giá thế giới được nhận định sẽ giảm tiếp, có thể về mức 1.200 USD/ounce nhưng giá trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Ngân hàng (NH) Nhà nước và sức mua của người dân. Sau thời điểm ngày 30-6, nếu NH Nhà nước tiếp tục các phiên đấu thầu vàng, khả năng chênh lệch với giá thế giới sẽ được rút ngắn; còn ngược lại, nguồn cung bị hạn chế thì giá vàng sẽ khó lường. Bởi lẽ, nguồn cung vàng trên thị trường hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào các phiên đấu thầu của NH Nhà nước. Lãnh đạo một số NH thương mại lo ngại khi giá vàng giảm mạnh, người dân kéo nhau đi mua, các NH sẽ không có vàng để bán khiến thị trường nóng lên. Ngược lại, nếu người dân ồ ạt bán vàng, các NH không thể mua vào bởi NH Nhà nước quy định trạng thái giao dịch vàng của một NH không quá 2% vốn điều lệ. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các tiệm vàng thu mua, có thể làm rối loạn thị trường.
Thy Thơ |
Bình luận (0)