Ở thị trường trong nước, lúc 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,25 triệu đồng/lượng, bán ra 56,95 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Chênh lệch giá mua - bán được giữ ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng, không thay đổi trong những ngày qua.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại đứng yên ở mức 50,3 triệu đồng/lượng mua vào, 51 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ lại giảm 50.000 đồng/lượng khi được niêm yết ở mức 50,5 triệu đồng/lượng mua vào, 51,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng lúc 9 giờ, theo giờ Việt Nam được giao dịch ở mức 1.732 USD/ounce, nhích nhẹ so với giá đầu giờ sáng.
Hiện giá vàng thế giới hiện quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 48 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC gần 9 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC gần như "bất động" so với giá vàng thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương trên cả nước, các tiệm vàng đóng cửa để phòng dịch Covid-19.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.187 đồng/USD, tăng 14 đồng/USD so với hôm qua. Trái lại, giá USD ở các ngân hàng thương mại lại giảm 10 đồng/USD về 22.820 đồng/USD mua vào, 23.020 đồng/USD bán ra.
Giá vàng hôm nay của thế giới giảm sốc
Đầu ngày 10-8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.730 USD/ounce, ghi nhận một phiên giảm thêm 34 USD/ounce sau khi mất đi 41 USD/ounce vào phiên trước
Thị trường vàng biến động dữ dội trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh, cho thấy kinh tế của quốc gia ngày càng tăng trưởng, tác động mạnh mẽ đến đà phụ hồi kinh tế toàn cầu.
Điều này làm giới đầu tư tài chính suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thu hẹp việc tung ra thị trường mỗi tháng 120 tỉ USD thu mua các loại tài sản có giá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều người dự báo thị trường tiền tệ sẽ biến động mạnh trong thời gian tới. Họ tập trung vốn vào USD giúp đồng tiền này tăng giá như vũ bão, tạo áp lực lên giá vàng.
Trước sức mạnh của USD, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo vàng thu hồi vốn. Số khác thì chớp thời cơ bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chênh lệch. Thế nên đầu ngày 9-8, chỉ sau 60 phút giao dịch, giá vàng thế giới tiêu tan 88 USD/ounce, từ 1.764 USD/ounce xuống còn 1.676 USD/ounce lúc 7 giờ cùng ngày.
Ở mức giá này, những người bán khống bắt đầu mua vào, kéo theo sức mua của nhiều nhà đầu tư khác. Giá vàng thế giới lúc 16 giờ giành lại 64 USD/ounce, từ 1.676 USD/ounce vọt lên 1.750 USD/ounce.
Tuy nhiên, khi khảo sát của Fed cho thấy năm 2021 lạm phát tại Mỹ có thể lên tới 4,8%, đồng thời một số quan chức của tổ chức này dự báo lãi suất cơ bản sẽ tăng trong năm 2022, lập tức giới đầu tư tài chính tăng thêm sức mua USD giúp "đồng bạc xanh" tăng giá nhiều hơn nữa.
Mặt khác, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,2%/năm vọt lên 1,3%/năm. Nhiều người thu gom USD để mua trái phiếu. Dòng tiền chảy vào kim loại quý bị khựng lại. Giá vàng hôm nay rơi vào tình thế bất lợi, buộc những người đang nắm giữ vàng phải bán ra.
Theo đó, giá vàng hôm nay "bốc hơi" một mạch 23 USD/ounce, từ 1.750 USD/ounce xuống còn 1.727 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 10-8. Tiếp đến, giá vàng hôm nay bật lên 1.730 USD/ounce rồi duy trì tại mức giá này lúc 6 giờ cùng ngày.
Tuy thị trường vàng quốc tế biến động mạnh nhưng giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 9-8 bất động ở mức 56,9 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều tiệm vàng ở một số tỉnh, thành phố lớn đóng cửa phòng, chống Covid-19.
Bình luận (0)