Ở thị trường vàng trong nước sáng 14-4, giá vàng cũng đi lên theo đà tăng của giá thế giới.
Lúc 8 giờ 30, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 55,05 triệu đồng/lượng, bán ra 55,45 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch vàng SJC quanh 55 triệu đồng/lượng mua vào, 55,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Chênh lệch giá mua - bán tiếp tục được giữ ở mức 400.000 đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được doanh nghiệp điều chỉnh lên 51,17 triệu đồng/lượng mua vào, 51,77 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 270.000 đồng/lượng.
Giá vàng trang sức có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng SJC, giúp khoảng cách chênh lệch rút ngắn còn khoảng 3,6 triệu đồng/lượng.
Lúc 8 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.746 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 48,75 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 6,7 triệu đồng/lượng.
Đầu ngày 14-4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.746 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước.
Giá vàng hôm nay (14-4) quay đầu bật tăng khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2021 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,9 điểm % so với CPI tháng 2-2021 là 1,7%. Điều này làm thị trường dấy lên lo ngại lạm phát tại Mỹ sẽ gia tăng.
Theo đó, đồng USD giảm giá rất mạnh, tạo động lực cho giá vàng tỏa sáng. Nhiều người đã tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào kim loại quý. Giá vàng có thời điểm tăng thẳng đứng 25 USD/ounce.
Mặt khác, hãng dược phẩm Johnson & Johnson hoãn triển khai vắc –xin Covid-19 tại châu Âu, đồng thời Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tạm dừng tiêm vắc- xin Johnson & Johnson sau khi 2 người đã tiêm vắc-xin này bị tác dụng phụ và sức khỏe của họ rơi vào tình trạng rất xấu.
Có lẽ thông tin này làm nhiều nhà đầu tư lo ngại việc kiểm soát Covid-19 trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế thế giới. Họ hạn chế mua trái phiếu Mỹ dù lãi suất trái phiếu vẫn đứng ở mức cao 1,68%/năm, dịch chuyển một phần dòng tiền vào thị trường vàng. Giá vàng nhờ thế mà bật tăng.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc công bố xuất khẩu tháng 3 -2021 tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục tăng trưởng, có thể giới đầu tư nghĩ kinh tế thế giới vẫn trên đà hồi phục dù việc triển khai vắc – xin tại Mỹ, châu Âu có trục trặc, tác động nhất định đến kinh tế toàn cầu.
Từ đó, nhiều người dồn vốn vào cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán quốc tế gần như "xanh" sàn. Số khác lại bỏ vốn vào Bitcoin giúp giá trị của đồng tiền ảo này vọt lên 63.000 USD/Bitcoin. Nghĩa là dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị giảm sút. Theo đó, đà tăng của giá vàng có phần khựng lại.
Diễn biến trên thị trường cho thấy trong ngày 13-4 giá vàng có lúc từ 1.733 USD/ounce rơi xuống vùng 1.725 USD/ounce. Thế nhưng, khi Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 3-2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lập tức giới đầu tư vàng ồ ạt mua vào. Sau vài giờ giao dịch, giá vàng tăng mạnh 25 USD/ounce, từ 1.725 USD/ounce lên 1.750 USD/ounce. Sau đó, tiền chảy vào kim loại quý có phần khựng lại. Giá vàng lúc 6 giờ ngày 14-4 xuống còn 1.746 USD/ounce.
Edward Moya - nhà phân tích cấp cao của Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ) nhận định các cuộc tranh luận về lạm phát tại Mỹ đang nóng lên sẽ tiếp tục gây áp lực lên đà suy yếu của USD, tác động tích cực đến giá vàng. "Nếu vàng duy trì tại mức giá hiện tại thì sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce trong vài ngày tới"- ông Edward Moya dự báo.
Trước đó, do từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 13-4, giá vàng thế giới đi xuống nên trong khoảng thời gian này giá vàng SJC tại Việt Nam giảm 50.000 đồng lượng, chốt cuối ngày tại 55,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 6,5 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)