Giá vàng đang ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường (Ảnh: THY THƠ)
Đầu ngày 15-10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại mức 1.903 USD/ounce, tăng 9 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước là 1.894 USD/ounce
Trước đó, trong ngày 14-10, giá vàng thế giới liên tục biến động quanh mức 1.890 – 1.900 USD/ounce. Khoảng 20 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, khi thị trường tiếp nhận một số thông tin mới nhất của nền kinh tế Mỹ, giới đầu tư liền tăng sức mua đẩy giá vàng lên 1.912 USD/ounce. Sau đó, nhiều nhà đầu tư khác lại tranh thủ bán ra, kéo giá vàng đi xuống và đến rạng sáng 15-10 lùi về 1.903 USD/ounce.
Tuy giá vàng tăng nhưng một số nhà đầu tư cho rằng xu hướng này chưa chắc chắn. Bởi ngoài nguyên nhân làm cho giá vàng đi lên "chớp nhoáng" là USD đột ngột suy yếu, thị trường gần như không có thông tin nào để vàng củng cố đà tăng giá.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – ông Richard Clarida cho biết sau khi giảm lãi suất gần bằng 0%, triển khai một loạt phương tiện cho vay khẩn cấp…, FED đang chờ đợi Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế mới trước hay sau ngày bầu cử Tổng thống (3-11). Mặt khác, FED cam kết sử dụng đầy đủ các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời dự báo phải hơn một năm nữa, kinh tế Mỹ mới lấy lại sức mạnh như trước khi xảy ra Covid-19.
Với thông tin này, giới phân tích nhận định vàng vẫn còn nhiều cơ hội tăng giá trong thời gian tới. Thế nhưng, do cách đây 2 ngày, một tổ chức từ thiện có tên Jubilee Debt Campaign (trụ sở tại Anh) kêu gọi IMF bán 7% số vàng dự trữ sẽ thu về lợi nhuận 12 tỉ USD – số tiền vừa đủ bù đắp cho việc xóa các khoản nợ của hơn 75 quốc gia nghèo nhất thế giới bị thiệt hại nặng nề do Covid-19, nên nhiều nhà đầu tư không dám bỏ nhiều vốn vào vàng dù IMF tuyên bố không có kế hoạch bán vàng vào thời điểm này.
Bằng chứng là trong 2 phiên giao dịch ngày 13 và 14-10, một số nhà đầu tư mạnh tay bán ra buộc giá vàng giảm tổng cộng 35 USD/ounce. Đến phiên 15-10, họ có phần thận trọng, tham gia thị trường với số vốn nhỏ giọt khiến giá vàng chỉ tăng 9 USD/ounce.
Tại Việt Nam, tuy giá vàng thế giới từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 14-10 chỉ tăng vài USD/ounce, nhưng do sức mua khởi sắc nên giới kinh doanh tăng 200.000 đồng/lượng đối với giá vàng SJC, từ 56,1 triệu đồng/lượng lên 56,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường vàng trong nước, đến khoảng 9 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 55,75 triệu đồng/lượng, bán ra 56,25 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Một số doanh nghiệp khác kéo giá vàng lùi sâu hơn, như Tập đoàn DOJI giao dịch giá vàng SJC mua vào 55,8 triệu đồng/lượng, bán ra 56,15 triệu đồng/lượng, giảm tới 150.000 đồng/lượng.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp cũng thu hẹp khoảng cách giá mua - bán so với đầu buổi sáng từ 600.000 đồng/lượng đã giảm về 350.000 đồng/lượng nhằm kích thích giao dịch trên thị trường.
Đến 9 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 1.896 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 53,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng/USD, giảm 5 đồng mỗi USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch phổ biến quanh 23.060 đồng/USD mua vào, 23.270 đồng/USD bán ra, không đổi so với phiên trước.
Bình luận (0)