Ở thị trường vàng trong nước sáng 19-2 tức mùng 8 Tết Tân Sửu, giá vàng SJC tiếp tục lao dốc mạnh theo đà đi xuống của giá thế giới.
Lúc 9 giờ, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 55,8 triệu đồng/lượng, bán ra 56,35 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua và mất khoảng 550.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào 55,8 triệu đồng/lượng, bán ra 56,4 triệu đồng/lượng. Một số doanh nghiệp khác điều chỉnh giá vàng mạnh hơn, xuống 55,75 triệu đồng/lượng mua vào, 56,25 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K có xu hướng giảm chậm hơn khi được giao dịch quanh 54,2 triệu đồng/lượng mua vào, 54,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng trong nước được neo ở mức cao những ngày qua, rồi bất ngờ giảm mạnh từ chiều hôm qua, tiếp tục xu hướng lao dốc vào sáng nay.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới lúc 9 giờ tiếp tục lao dốc về 1.764 USD/ounce, mất khoảng 25 USD/ounce so với hôm qua. Trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới "bốc hơi" tới 60 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 1,7 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 49,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 7,2 triệu đồng/lượng.
Khoảng 6 giờ ngày 19-2 tức mùng 8 Tết, giá vàng thế giới giao dịch tại 1.775 USD/ounce, ngang bằng với mức giá so cùng thời điểm hôm trước.
Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, giá vàng có thời điểm tăng mạnh. Sau đó, giá vàng đột ngột đi xuống hàng chục USD/ounce khiến nhiều nhà đầu tư hết sức bất ngờ.
Trước đó, giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 18-2 giảm sốc 350.000 đồng/lượng, từ 56,85 triệu/đồng lượng xuống còn 56,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng có lúc tăng mạnh khi USD bất ngờ suy yếu sau 2 ngày liên tục tăng giá. Giới đầu tư tài chính hạn chế đưa vốn vào cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chìm trong sắc đỏ. Họ dịch chuyển một phần của dòng tiền vào thị trường kim loại, tác động tích cực đến giá vàng.
Thế nhưng, sau khi tăng được 15 USD/ounce, giá vàng lại bất ngờ "bốc hơi" hàng chục USD/ounce, nguyên nhân có thể các "đại gia" vàng tiếp tục bán ra thu về lợi nhuận. Bởi lẽ, tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 17 đến rạng sáng 18-2, lúc giá vàng ở mức 1.790 USD/ounce, một số quỹ đầu tư vàng đã có động thái bán ra chốt lời 6,88 tấn vàng sau khi đã bán 39,5 tấn trong phiên dịch trước.
Tính ra, chỉ trong 2 phiên giao dịch liên tiếp, các quỹ đầu tư đã bán tổng cộng 46,38 tấn vàng; trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares bán 9,29 tấn.
Giao dịch trên thị trường cho thấy đầu ngày 18-2 giá vàng đã bật tăng 10 USD/ounce. Tiếp đến, giá vàng biến động lình xình trong vùng 1.780-1.785 USD/ounce. Khoảng 21 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, giá vàng vọt lên 1.790 USD/ounce.
Ở mức giá này, có lẽ một số quỹ đầu tư vàng đã mạnh tay bán ra. Giá vàng vì thế rơi thẳng đứng 20 USD/ounce, xuống còn 1.770 USD/ounce. Sau đó, giá vàng tăng nhẹ và đến 6 giờ ngày 19-2 giao dịch tại 1.775 USD/ounce.
Giới kinh doanh nhận định thị trường vàng quốc tế trong các phiên giao dịch gần đây luôn bị chi phối bởi các quỹ đầu tư vàng. Vì thế, giá vàng chỉ bật tăng mạnh mẽ nếu các tổ chức này dừng bán ra. Còn thị trường vàng Việt Nam thì rơi vào mùa Thần Tài. Theo đó, sức mua thường tăng đột biến. Giá vàng SJC, nhẫn vàng, trang sức vàng…có thể tăng mạnh dù giá vàng thế giới đi xuống hay "giậm chân tại chỗ".
Bình luận (0)