Rạng sáng 2-12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại 1.815 USD/ounce, tăng đến 38 USD/ounce, tương đương 1 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước.
Đầu phiên ngày 1-12, diễn biến của thị trường vàng khá tích cực. Nhiều người tăng sức mua giúp giá vàng chớp nhoáng đi lên 10 USD/ounce, cán mức 1.787 USD/ounce. Tiếp đến, một số nhà đầu tư có dấu hiệu gom hàng bởi trong nhiều giờ giao dịch liên tiếp thị trường tràn ngập người mua, giá vàng tăng mạnh 25 USD/ounce. Cụ thể, lúc 12 giờ theo giờ Việt Nam, giá vàng chỉ giao dịch tại 1.785 USD/ounce. Nhưng ngay sau đó, giá vàng đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce rồi vọt lên 1.810 USD/ounce (lúc 18 giờ). Tại thời điểm này, nhà đầu tư lại bán ra rồi mua vào làm giá vàng tăng giảm 5-10 USD/ounce. Đến đầu ngày 2-12, giá vàng tạm dừng tại 1.815 USD/ounce.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC trong ngày 1-12 cũng tăng 600.000 đồng/lượng, từ 53,7 triệu đồng/lượng lên 54,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 3,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng mạnh khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tiếp tục cam kết sử dụng tất cả công cụ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua Covid-19; đồng thời ông này cũng hối thúc chính phủ Mỹ nối lại các vòng đàm phán gói kích thích kinh tế hàng ngàn tỉ USD, nhằm sớm vực dậy kinh tế Mỹ suy yếu do dịch bệnh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 ở mức 4,2%, thấp hơn mức 5% so với dự báo trước đó. Ngoài ra , OECD cũng đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2021 từ 4% xuống 3,2% và giảm tăng trưởng kinh tế của các quốc thuộc khu vực đồng Euro từ 5,1% xuống 3,6%.
Trước thông tin trên, không ít nhà đầu tư tài chính bán tháo USD làm đồng tiền này suy yếu rất nhiều so với euro, tạo động lực cho giá vàng đi lên. Số khác thì hướng dòng tiền của mình vào vàng vì mỗi khi kinh tế thế giới được dự báo sụt giảm, kim loại quý này trở thành một trong những kênh sinh lời lẫn bảo toàn vốn hiệu quả. Vì thế, giá vàng tăng mạnh 38 USD/ounce là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo trước động thái xả hàng chưa dừng lại của các quỹ đầu tư vàng và đây vẫn là thông tin cần phải bám sát từng ngày. Điển hình, tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 30-11 đến rạng sáng 1-12, một số quỹ đầu tư đã bán 12,37 tấn vàng – đánh dấu phiên thứ 6 bán ra của các tổ chức này kể từ ngày 23-11 đến nay.
Về mặt kỹ thuật, giới kinh doanh dự báo nếu trong ngắn hạn giá vàng phá vỡ mức cản 1.820 USD/ounce sẽ lao lên 1.850 USD/ounce; ngược lai, giá vàng lùi về 1.800 USD/ounce và nếu không trụ được ở mức giá này thì giảm tiếp còn 1.765 USD/ounce.
Ở thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh ngay khi vừa mở cửa giao dịch. Lúc 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp mua vào phổ biến 54,2 triệu đồng/lượng và bán ra 54,85 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng SJC biến động mạnh. Nguồn: TPBank
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch vàng miếng SJC quanh 54,1 triệu đồng/lượng mua vào, 54,7 triệu đồng/lượng bán ra. Do giá vàng biến động quá mạnh nên các doanh nghiệp bắt đầu giãn rộng khoảng cách chênh lệch mua - bán lên tới 650.000 đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại cũng được điều chỉnh tăng lên 53,1 triệu đồng/lượng mua vào, 53,6 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn đà tăng mạnh của vàng SJC. Hiện giá vàng trang sức đang thấp hơn vàng SJC khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.
Đến 9 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.812 USD/ounce, tăng khoảng 30 USD mỗi ounce so với phiên trước. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 50,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 4 triệu đồng mỗi lượng. Nguyên nhân do vàng SJC tăng mạnh hơn đà đi lên của giá thế giới.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.152 đồng/USD, không thay đổi so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng được giao dịch quanh 23.020 đồng/USD mua vào, 23.230 đồng/USD bán ra, ổn định so với hôm qua.
Cuối ngày, giá vàng SJC được các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng lên mức 54,45 triệu đồng/lượng mua vào, 55,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng. Tính chung cả ngày, giá vàng SJC đã tăng tới 850.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng leo lên 1.825 USD/ounce.
Bình luận (0)