Giá vàng hôm nay của thế giới suy yếu
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước quay đầu giảm trở lại khi giá vàng thế giới đóng cửa ở mức thấp vào cuối tuần.
Lúc 10 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,8 triệu đồng/lượng, bán ra 57,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua - bán được doanh nghiệp thu hẹp về mức 650.000 đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay đối với vàng PNJ cũng tiếp tục đi xuống quanh 51,25 triệu đồng/lượng mua vào, 53,65 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng so với hôm qua. Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm mạnh hơn so với mức giảm của giá vàng SJC, vàng PNJ. Các doanh nghiệp giao dịch quanh mức 51 triệu đồng/lượng mua vào, 51,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Hiện giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới trên 7 triệu đồng/lượng. Tỉ giá trung tâm cuối tuần được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.209 đồng/USD, ổn định so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 22.910 đồng/USD mua vào, 23.110 đồng/USD bán ra, không thay đổi so với hôm qua.
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 24-7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới đóng cửa tại 1.802 USD/ounce, ghi nhận phiên giao dịch cuối tuần giảm 5 USD/ounce.
Trước đó trong ngày 23-7, giá vàng thế giới không vượt qua ngưỡng 1.810 USD/ounce khi USD tăng giá trên diện rộng, nhà đầu tư quan tâm đến trái phiếu Mỹ và chứng khoán quốc tế
Cụ thể, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,2%/năm vọt lên 1,3%/năm. Nhiều người đã thu gom USD để mua trái phiếu giúp đồng tiền này tăng giá sau khi suy yếu vào hôm trước.
Do USD mạnh lên nên một số tổ chức tài chính không dám đưa vốn vào thị trường vàng. Biểu hiện rõ nhất là tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 22 đến rạng sáng 23-7, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares không giao dịch, đánh dấu phiên thứ 4 liên tiếp "án binh bất động". Từ đó, nhiều nhà đầu tư khác ít quan tâm đến kim loại quý. Giá vàng vì thế không thể để bật tăng.
Trong khi đó, cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tăng giá dữ dội. Điều này chứng tỏ giới đầu tư tập trung vốn vào chứng khoán. Nghĩa là dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị chi phối. Giá vàng rơi vào hoàn cảnh bất lợi.
Thế nên khi giá vàng thế giới leo lên 1.810 USD/ounce, nhiều người đã tranh thủ bán ra chốt lời hoặc cắt lỗ. Số khác thì bán khống với kỳ vọng giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chênh lệch. Giá vàng lúc 18 giờ ngày 23-7 giảm mạnh 20 USD/ounce, từ 1.810 USD/ounce rơi xuống 1.790 USD/ounce.
Sau đó, những người đã bán khống lại mua vào. Giá vàng hôm nay giành lại 15 USD/ounce, cán mức 1.805 USD/ounce lúc 1 giờ ngày 24-7. Tiếp đến, giá vàng hôm nay đi ngang và đến 6 giờ cùng ngày đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.802 USD/ounce
Giới phân tích nhận định giá vàng đang biến động trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có xu hướng trái chiều.
Cụ thể, ECB không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát ở khu vực châu Âu đạt mục tiêu 2%. Nghĩa là lãi suất ở châu Âu sẽ còn ở mức âm 0,5% đến 0,25% trong thời gian dài. Điều này cho thấy kinh tế ở khu vực này còn nhiều khó khăn do Covid-19, có thể kích thích giới đầu tư tài chính trú ẩn vốn vào kim loại quý, tạo động lực cho giá vàng khởi sắc.
Trong khi đó, Fed tính đến việc tăng lãi suất và giảm dần động thái mỗi tháng bơm ra thị trường 120 tỉ USD nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, có thể tạo thêm sức mạnh cho đồng USD trong tương lai, tác động tiêu cực đến giá vàng.
Bình luận (0)