Lúc 8 giờ 35, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng hôm nay mua vào 56 triệu đồng/lượng, bán ra 56,4 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng PNJ tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) được giao dịch quanh 53 triệu đồng/lượng mua vào, 54 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Mức giảm của vàng PNJ mạnh hơn so với giá vàng miếng SJC.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến quanh 52,85 triệu đồng/lượng mua vào, 53,45 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 350.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng PNJ có xu hướng giảm mạnh hơn đà đi xuống của giá vàng SJC. Giá vàng hôm nay đi xuống do ảnh hưởng từ sự hạ nhiệt của giá vàng thế giới.
Lúc 8 giờ 40, giá vàng thế giới giao ngay quay đầu giảm về mức 1892 USD/ounce, tương đương khoảng 52,8 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỉ giá niêm yết sáng nay, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 3,6 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.137 đồng/USD, giảm tiếp 9 đồng mỗi USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng cũng giảm 10 đồng/USD về quanh 22.950 đồng/USD mua vào, 23.150 đồng/USD bán ra.
Giá vàng hôm nay của thế giới tiếp tục tăng
Khoảng 6 giờ ngày 27-5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.907 USD/ounce, tăng thêm 7 USD/ounce sau khi đã tăng 20 USD/ounce trong phiên giao dịch trước.
Trước đó, tuy giá vàng thế giới tăng nhưng do sức mua yếu nên trong ngày 26-5, giá vàng SJC tại Việt Nam giảm 100.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 56,55 triệu đồng/lượng. Như thế, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay tăng thêm khi thị trường còn bàn tán lạm phát tại các nền kinh tế lớn có thể gia tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác làm gì để ứng phó lạm phát?
Tuy Fed nhận định lạm phát gia tăng là "nhất thời" nhưng thị trường cho thấy điều ngược lại là giá của nhiều hàng hóa ngày càng tăng.
Trong khi đó, một quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ECB không có kế hoạch thu hẹp quy mô thu mua các loại tài sản có giá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19.
Có lẽ các thông tin này kích thích giới đầu tư tài chính chưa ngưng bán USD khiến đồng tiền này tiếp tục suy yếu, có lợi cho giá vàng hôm nay. Từ đó, nhiều nhà đầu tư dồn vốn vào kim loại quý. Giá vàng thế giới trong ngày 26-5 vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, có thời điểm lên tới 1.910 USD/ounce. Sau đó, giá vàng giảm nhẹ và đến 6 giờ ngày 27-5 giao dịch tại 1.907 USD/ounce.
Theo giới phân tích, giá vàng hôm nay đang củng cố đà tăng khi các quỹ đầu tư vàng mua vào trong 4 phiên liên tiếp. Riêng phiên giao dịch kéo dài từ đêm 25 đến rạng sáng 26-5, một số quỹ đầu tư đã mua 1,4 tấn vàng.
Đặc biệt, các nhà phân tích tại Commerzbank (Đức) nhận định nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương là trụ cột quan trọng hỗ trợ cho giá vàng. Theo đó, nhu cầu đầu tư kim loại quý đang hồi sinh, tạo động lực cho giá vàng tỏa sáng.
Commerzbank dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy trong tháng 4-2021, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã mua 43,5 tấn vàng, các ngân hàng trung ương khác cũng bổ sung dự trữ vàng bao gồm Uzbekistan mua 8,4 tấn vàng, Kazakhstan tăng số lượng nắm giữ thêm 4,4 tấn…
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), sự quan tâm trở lại của các ngân hàng trung ương đối với vàng sau khi giá kim loại quý giảm mạnh vào các tháng đầu năm 2021. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3-2021, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 95,5 tấn vàng
Báo cáo quý I/2021 của WGC cho thấy tổ chức này kỳ vọng các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng trong năm 2021 vì tin rằng tâm lý tích cực đối với vàng không thay đổi trong cộng đồng ngân hàng.
Bình luận (0)