Ở thị trường vàng trong nước sáng 29-1, giá vàng SJC có xu hướng ổn định bất chất đà đi xuống của giá thế giới.
Lúc 9 giờ 30, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 56,15 triệu đồng/lượng, bán ra 56,65 triệu đồng/lượng, đứng yên so với cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết mua vào 56,25 triệu đồng/lượng, bán ra 56,6 triệu đồng/lượng.
Một số doanh nghiệp khác thu hẹp biên độ chênh lệch giá mua - bán về mức khá thấp để kích thích nhu cầu giao dịch trên thị trường. Như tiệm vàng Mi Hồng, giá vàng SJC được giao dịch quanh 56,3 triệu đồng/lượng mua vào, 56,53 triệu đồng/lượng bán ra, chênh lệch giá mua - bán chỉ ở mức 230.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 54,35 triệu đồng/lượng mua vào, 54,85 triệu đồng/lượng bán ra, giảm thêm 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức có xu hướng giảm mạnh hơn vàng SJC khiến khoảng cách chênh lệch giãn rộng lên tới 1,5 triệu đồng/lượng.
Đến 9 giờ 30, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.842 USD/ounce, giảm nhẹ so với giờ mở cửa buổi sáng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 51,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 5,2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.160 đồng/USD, tăng 13 đồng/USD so với hôm qua. Dù vậy, giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục ổn định quanh 22.970 đồng/USD mua vào, 23.150 đồng/USD bán ra, không thay đổi so với hôm qua.
Lúc 6 giờ ngày 29-1 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.842 USD/ounce, giảm thêm 2 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.844 USD/ounce
Trước đó, do sức mua tại Việt Nam khởi sắc nên giá vàng SJC trong ngày 28-1 tăng 100.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày ở mốc 56,65 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 5,2 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, khi kinh tế thế giới vẫn còn tổn thương do Covid-19, những biện pháp giãn cách xã hội mà nhiều quốc gia đang áp dụng để kiểm soát dịch bệnh tiếp tục gây thiệt hại nhiều hơn đối với nền kinh tế. Điều này thúc đẩy giới đầu tư tài chính trú ẩn vốn vào USD, giúp đồng tiền này tăng giá mạnh. Từ đó, giới đầu tư e ngại rủi ro nếu hướng dòng tiền vào thị trường vàng. Bởi lẽ, mối quan hệ giữa USD và vàng luôn trái chiều. Khi USD tăng giá đồng nghĩa giá vàng chịu áp lực đi xuống và ngược lại.
Tuy vậy, khi giá vàng giảm mạnh, không ít nhà đầu tư "đánh lên" (mua vàng giá thấp, bán giá cao) lại tăng sức mua, kéo theo nhiều người khá tham gia thị trường, giúp giá vàng đi lên. Thế nhưng, sau khi giá vàng tăng 10-20 USD/ounce, các nhà đầu tư "đánh lên" luôn chớp thời cơ bán ra thu về lợi nhuận, đồng thời nhiều nhà đầu tư chuyên "đánh xuống" (bán khống rồi chờ vàng giảm giá mua lại hưởng chênh lệch) cũng bán ra. Giá vàng vì thế có thời điểm giảm mạnh.
Mặt khác, thời điểm vàng lên tới một mức giá phù hợp, các quỹ đầu tư cũng ồ ạt bán chốt lời . Biểu hện rõ nhất là tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 27 đến rạng sáng 28-1, lúc giá vàng leo lên 1.850 USD/ounce, một số quỹ đầu tư bán hơn 2 tấn vàng, sau khi đã bán 1,33 tấn trong phiên giao dịch trước.
Giao dịch trên thị trường ngày 28-1 cho thấy từ 6 giờ đến 19 giờ (theo giờ Việt Nam), giá vàng gần như "giẫm chân tại chỗ" 1.840 USD/ounce. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, giới đầu tư tăng mạnh sức mua và chỉ trong vài phút, giao dịch giá vàng vọt lên 22 USD/ounce, cán mức 1.862 USD/ounce. Có lẽ mức giá này là phù hợp nên các nhà đầu tư chuyên "đánh lên" đã bán ra thu về lợi nhuận, đồng thời nhà đầu tư chuyên "đánh xuống" cũng bán ra. Lập tức, giá vàng giảm hơn 20 USD/ounce, lùi về vùng 1.840 USD/ounce. Sau đó, các nhà đầu tư "đánh xuống" (bán khống rồi chờ vàng giảm giá mua lại hưởng chênh lệch) lại mua vào. Giá vàng bật tăng trở lại và đến 6 giờ ngày 29-1 giao dịch tại 1.842 USD/ounce.
"Vàng sẽ không thể phục hồi cho đến khi đồng USD suy yếu trở lại. Giai đoạn tích lũy của giá vàng vẫn tiếp tục và kịch bản tăng giá vẫn còn đó nếu vàng có thể giữ vững mức giá trên 1.800 USD /ounce trong vài tuần tới" - Edward Moya, nhà phân tích tại Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), nhận định.
Bình luận (0)