Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tăng tiếp dù giá vàng thế giới chững lại.
Lúc 9 giờ 30, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 68,1 triệu đồng/lượng, bán ra 68,8 triệu đồng/lượng, tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,6 triệu đồng/lượng mua vào, 54,55 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Như vậy, giá vàng hôm nay tăng tiếp đối với vàng SJC trong khi giảm nhẹ đối với vàng trang sức.
Trên thị trường quốc tế, đến 9 giờ 30 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay ở mức 1.821 USD/ounce.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.099 đồng/USD, tăng 7 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 23.120 đồng/USD mua vào, 23.400 đồng/USD bán ra, tăng 10 đồng/USD so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay của thế giới gánh chịu nhiều yếu tố bất lợi
Đêm qua, giá vàng trên thị trường quốc tế biến động giằng co. Đến 6 giờ ngày 29-6, giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.821 USD/ounce, giảm nhẹ 2 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước. Giá vàng giao tháng 8-2022 cũng giảm 3 USD, giao dịch lần cuối ở mức 1.821 USD/ounce.
Theo giới phân tích, sau khi Mỹ công bố kết quả khảo sát cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 6-2022 giảm xuống 98,7 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng năm 2021 đến nay, thị trường tiền tệ đã phản ứng nhất định.
Đồng USD tiếp tục tăng giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác, tạo sức ép lên giá vàng hôm nay. Lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 3,3% đã thúc đẩy nhiều người thu gom USD để mua trái phiếu, làm cho đồng tiền này tăng giá nhiều hơn nữa. Giá vàng hôm nay phải gánh thêm yếu tố bất lợi.
Những người "chơi" vàng đang đánh giá việc tăng lãi suất và tác động của nó đối với nền kinh tế. Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán suy thoái kinh tế có thể diễn ra ở Mỹ, Châu Âu và Vương quốc Anh vì áp lực giá hàng hóa, nguyên liệu sản xuất ngày càng tăng, buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bật tín hiệu mạnh tay tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt mục tiêu tăng lãi suất 0,25 điểm % vào tháng 7-2022 và có thể tăng nhiều hơn nữa nếu thấy cần thiết.
Bình luận (0)