Giá vàng hôm nay của thế giới tiếp tục tăng
Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tăng vọt theo đà hồi phục rất mạnh của giá vàng quốc tế.
Lúc 9 giờ 30 phút, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 65,8 triệu đồng/lượng, bán ra 66,8 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Đây là mức tăng rất mạnh của giá vàng SJC sau nhiều ngày lao dốc.
Dù vậy, giá vàng SJC tiếp tục có sự cách biệt giữa các doanh nghiệp, khi một số doanh nghiệp giao dịch vàng SJC mua vào 65 triệu đồng/lượng, bán ra 66 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 52,3 triệu đồng/lượng mua vào, 53,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 250.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Như vậy, giá vàng SJC đã tăng mạnh hơn gấp đôi so với đà đi lên của giá vàng nhẫn.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.176 đồng/USD, giảm 25 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 23.200 đồng/USD mua vào, 23.480 đồng/USD bán ra, giảm 30 đồng/USD so với hôm qua.
Đầu ngày 30-7, giá vàng hôm nay thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.767 USD/ounce, tăng thêm 10 USD/ounce sau khi đã tăng tổng cộng 36 USD/ounce trong hai phiên giao dịch trước.
Như vậy, qua 3 phiên giao dịch (từ 28 đến rạng sáng 30-7), giá vàng thế giới đã tăng 46 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay (30-7) ở nước ta sẽ được các doanh nghiệp công bố lúc 8 giờ 30 phút. Theo đó, giá vàng trong nước có thể biến động khó lường
Trước đó, do từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 29-7 giá vàng thế giới tăng mạnh nên trong khoảng thời gian này giá vàng SJC tăng 500.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 66,7 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, giá vàng hôm nay biến động mạnh khi dữ liệu liên quan đến lạm phát tại Mỹ nóng lên. Cụ thể đêm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) tháng 6-2022 tăng 0,6%, cao hơn 0,1 điểm % so với dự báo là 0,5%. Theo đó, PCE tính theo năm leo lên 4,8% - mức cao nhất trong 40 năm qua, báo hiệu lạm phát tại Mỹ chưa hạ nhiệt.
Phản ứng thông này, giới đầu tư tài chính giảm mức độ nắm giữ USD, khiến giá trị của đồng tiền này lao xuống dốc, tạo động lực cho giá vàng hôm nay vọt lên.
Do USD giảm giá nên lãi suất trái phiếu Mỹ giảm theo. Từ đó, một số nhà đầu tư dịch chuyển một phần vốn vào kim loại quý. Giá vàng hôm nay có thêm sức mạnh để bật tăng.
Một số nhà phân tích cho rằng dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ là con dao hai lưỡi đối với thị trường vàng. Bởi lẽ, lạm phát tiếp tục tăng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn. Đồng USD có thể tăng giá trong tương lai, tạo sức ép lên giá vàng thế giới.
Phillip Streible - chiến lược gia thị trường tại sàn giao dịch hàng hóa Blue Line Futures (Mỹ) nhận định nếu lạm phát vẫn còn gia tăng thì FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ làm cho đà tăng của giá vàng thế giới bị hạn chế.
Thế nhưng, ông Louise Street, nhà phân tích tại Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận xét thị trường vàng sẽ mang lại cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng vì nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế.
Bình luận (0)