Giá vàng SJC sáng 31-10 khó đoán (ẢNH: THY THƠ)
Đầu ngày 31-10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.880 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước là 1.876 USD/ounce.
Trước đó, đầu phiên giao dịch 30-10, do giới đầu tư tập trung bán ra nên giá vàng giảm 10 USD/ounce xuống còn 1.866 USD/ounce. Sau đó, nhiều nhà đầu tư liên tục mua vào, bán ra khiến giá vàng tăng giảm theo hình răng cưa vài USD/ounce. Khoảng 18 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, thị trường hết sức bất ngờ khi giới đầu tư mạnh tay mua vào, giúp giá vàng tăng thẳng đứng 34 USD/ounce chạm ngưỡng 1.890 USD/ounce. Tiếp đến, một số nhà đầu tư "đánh xuống" (bán khống chờ giá vàng đi xuống mua vào hưởng chênh lệch) nhảy vào thị trường, và chỉ sau 60 phút giao dịch, giá vàng "bay hơi" 10 USD/ounce, rơi xuống vùng 1.880 USD/ounce (lúc 23 giờ) rồi biến động xoay quanh mức giá này cho đến đến rạng sáng 31-10.
Giá vàng tăng giảm dữ dội khi thị trường chứng khoán châu Âu, Nhật Bản, Mỹ tiếp tục "đỏ" sàn. Một số nhà đầu tư bán cổ phiếu chuyển vốn sang kim loại quý giúp giá vàng có thời điểm tăng 34 USD/ounce. Mặt khác, giới đầu tư tài chính hạn chế nắm giữ USD làm cho đồng tiền này mất vị thế so với euro, có lợi cho giá vàng.
Jim Wyckoff- nhà phân tích của trang kitco.com (trang chuyên về thị trường vàng) - nhận định không ít nhà đầu tư đã có nhu cầu trú ẩn vào vàng trước thời điểm kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - ngày 3-11, giúp giá vàng đi lên.
Ngược lại, do phiên giao dịch từ 6 giờ ngày 30 đến rạng sáng 31-10 là phiên cuối cùng của tháng 10-2020, đồng thời chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc bầu cử Tổng thống Mỹ, nên không ít nhà đầu tư lo ngại bất ổn chính trị có thể xảy ra, nắm giữ vàng lúc này có thể rủi ro. Vì thế, họ giao dịch với số lượng nhỏ hoặc đứng bên lề thị trường, khiến giá vàng chưa thể mạnh mẽ đi lên. Cụ thể, tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 29 đến đầu ngày 30-10, một số quỹ đầu tư chỉ mua vào 1,6 tấn vàng, còn quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR không giao dịch, sau khi đã bán 8,47 tấn vào phiên giao dịch trước.
Giới phân tích dự báo trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát, Mỹ sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng nghĩa về lâu dài USD sẽ suy yếu tạo đà cho giá vàng bứt phá trong thời gian tới.
Trong ngày 30-10, từ 9 giờ đến 17 giờ, tuy giá vàng thế giới giảm từ 1.876 USD/ounce xuống 1.873 nhưng giá vàng SJC lại tăng 150.000 đồng/lượng, từ 56,2 triệu đồng/lượng lên 56,35 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tiếp tục đi lên trong sáng cuối tuần 31-10.
Lúc 8 giờ 30, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp giao dịch mua vào 55,95 triệu đồng/lượng, bán ra 56,45 triệu đồng/lượng, tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua và tăng tới 250.000 đồng/lượng so với sáng 30-10.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết vàng miếng mua vào phổ biến 55,9 triệu đồng/lượng, bán ra 56,35 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC biến động khá mạnh trong tuần qua. Nguồn: Mi Hồng
Chênh lệch giá mua - bán tiếp tục duy trì ở mức nửa triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC biến động mạnh trong khi giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại tiếp tục ổn định dưới 54 triệu đồng/lượng, khi mua vào 53,35 triệu đồng/lượng và 53,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Đà đi lên của giá vàng SJC trong bối cảnh giá vàng thế giới đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.878 USD/ounce tăng nhẹ khoảng 3 USD/ounce so với hôm qua, tương đương mức 52,7 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục ở mức cao 3,7 triệu đồng/lượng dù giao dịch trong nước vẫn rất thấp.
Cuối tuần, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.201 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng tiếp tục ổn định trong nhiều ngày qua, quanh 23.060 đồng/USD mua vào, 23.270 đồng/USD bán ra.
Bình luận (0)