Mở cửa giao dịch ngày 11-3, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tiếp tục hạ giá vàng SJC về mức thấp. Lúc 10 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được niêm yết mua vào 46,85 triệu đồng/lượng, bán ra 47,45 triệu đồng/lượng, giảm thêm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 46,9 triệu đồng/lượng mua vào, 47,3 triệu đồng/lượng bán ra.
Hiện giá vàng đã "bốc hơi" khoảng 750.000 đồng/lượng so với mức đỉnh trong tuần. Dù vậy, biên độ chênh lệch giá mua - bán vẫn được các doanh nghiệp neo khá lớn, tới 600.000 đồng/lượng. Với biên độ chênh lệch giãn rộng như vậy, người mua vàng luôn gặp rủi ro.
Giá vàng miếng SJC giảm nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với vàng nhẫn, vàng trang sức 24K khoảng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Trên thị trường quốc tế, đêm qua giá vàng mất gần 31 USD về mức 1.649 USD/ounce do chứng khoán Mỹ bật tăng và nhà đầu tư kỳ vọng giới chức các nước cứu nền kinh tế. Đến sáng nay, giá vàng thế giới tăng nhẹ lên 1.656 USD/ounce nhưng vẫn thấp hơn hôm qua 4 USD/ounce.
Việc giá vàng trong nước giảm nhỏ giọt khiến chênh lệch với giá thế giới nới rộng lên tới 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 8 đồng/USD lên mức 23.198 đồng/USD. Dù vậy, giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục quanh mức 23.080 đồng/USD mua vào, 23.250 đồng/USD bán ra, không thay đổi so với phiên trước.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ 2 tháng đầu năm 2020, Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định tỉ giá USD/VNĐ có đợt sóng tăng đầu tiên sau 6 tháng ổn định nhưng không quá đáng ngại. Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá USD/VND đã tăng 0,27% nhưng chỉ tiệm cận về vùng tỉ giá tại cuối năm 2018.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại tháng 2 ước tính thặng dư 100 triệu USD; giải ngân vốn FDI tháng 2 là 850 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 2,45 tỉ USD; cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định nhưng tâm lý thận trọng vẫn gia tăng, thể hiện qua chênh lệch tỉ giá mua vào và bán ra của ngân hàng thương mại, giữa giá USD tự do và giá tại ngân hàng đều giãn rộng.
"Áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỉ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VNĐ. Diễn biến tỉ giá năm nay sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỉ giá nếu có được điều chỉnh cũng chỉ dao động quanh mức 1%" – chuyên gia phân tích của SSI Research nhận định.
Bình luận (0)