Gần cuối ngày, giá vàng miếng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 33,9 triệu đồng/lượng, bán ra 34,15 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên trước. Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp tục leo lên mốc cao trong hơn 1 năm qua, ở mức 1.274 USD/ounce, tăng hơn 10 USD/ounce so với phiên trước.
Hiện giá vàng quốc tế quy đổi sang VNĐ theo tỉ giá niêm yết hiện ở mức 34,33 triệu đồng/lượng. Phòng Kinh doanh vàng thuộc Tập đoàn DOJI, dẫn lời chuyên gia phân tích từ Ngân hàng HSBC, cho rằng nhu cầu của các nhà đầu tư Mỹ với vàng vẫn còn nguyên vẹn.
Vàng đang là kênh đầu tư sáng giá trên thị trường thế giới thời gian qua nhưng ở trong nước, nhà đầu tư lại khá dửng dưng với vàng miếng SJC. Trong những phiên giá vàng quốc tế biến động rất mạnh nhưng giá vàng trong nước cũng chỉ tăng/giảm rất dè chừng. Do biến động khá chậm nên giá vàng trong nước tiếp tục duy trì mức thấp hơn thế giới khoảng 200.000 đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), lý giải năm 2011, khi thị trường vàng còn thông thoáng, việc tăng hay giảm giá vàng SJC trong nước kéo theo lượng cầu - cung nhất định. Lúc đó, các nhà đầu tư, đầu cơ và kể cả một bộ phận lớn dân cư cũng đang giữ nhiều tiền (bong bóng bất động sản chưa bùng nổ) đã chuyển sang vàng.
Giá vàng trong nước biến động theo giá thế giới tạo ra nhiều “sóng” vàng. Nhưng hiện nay, đặc biệt sau Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, đã khiến thị trường vàng miếng thu hẹp đáng kể, cộng với giá vàng thế giới giảm, ngân hàng trong nước hạn chế và không còn cho vay hay nhận vàng gửi.
“Những điều này làm chi phí giao dịch vàng trở nên đắt đỏ, người dân cảm thấy bất lợi khi đầu tư hay cất trữ vàng. Điều này làm “sóng” vàng trong nước yếu đi. Do đó, với những nhà đầu tư muốn trở lại kênh vàng, cũng chỉ nên để khoảng 20% vốn tự có của mình vào vàng” - ông Hải nói.
Nhìn nhận về giá vàng thời gian tới, ông Hải cho rằng về trung hạn, giá vàng và các loại hàng hóa khác sẽ khó tăng cao như thời điểm 2011, một phần do chỉ số USD tăng, kinh tế Mỹ hồi phục và khả năng tăng lãi suất USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Đồng thời, một phần do chính sách địa chính trị thay đổi, nguồn cung dầu tăng làm dầu mỏ - loại hàng hóa gắn chặt nhất với USD giảm - làm cho các nhà đầu tư tài chính thế giới cũng sẽ chọn xu hướng giảm cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có vàng.
Bình luận (0)