Lúc 15 giờ 30, giá vàng miếng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến 36,84 triệu đồng/lượng mua vào, 37,02 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 90.000 đồng mỗi lượng so với phiên trước.
Đây cũng là mức tăng khá cao của giá vàng trong nhiều ngày qua, sau khi liên tục lình xình dưới ngưỡng 37 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước nhích lên theo đà biến động của giá thế giới. Lúc 15 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.260 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên trước. Giá vàng thế giới đang biến động trong biên độ nhẹ.
Theo khảo sát về biến động giá vàng trong tuần này trên trang Kitco, nhiều ý kiến cho rằng giá vàng sẽ tăng trở lại sau vài tuần sụt giảm liên tục.
Hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.
Giá USD trong ngân hàng tiếp tục đứng trên 23.000 đồng/USD. Ảnh: NLĐ
Trong khi đó, trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.632 đồng/USD, giảm nhẹ so với phiên trước. Giá USD trên thị trường tự do chiều 9-7 được một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM niêm yết mua vào 23.150 đồng/USD, bán ra 23.210 đồng mỗi USD, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần.
Giá USD ở các NH thương mại tiếp tục ở trên mức 23.000 đồng/USD. Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 22.995 đồng/USD, bán ra 23.065 đồng/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần. Eximbank công bố giá bán ra cao hơn Vietcombank, ở mức 23.080 đồng/USD, trong khi giá mua vào là 23.000 đồng mỗi USD.
Liên quan đến biến động tỉ giá thời gian qua, tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô 2018 do trường Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức ngày 9-7, ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá tăng khoảng 1,4% là không nhiều.
Nhưng vì sao thị trường lại bị tác động dù tỉ giá chỉ biến động nhỏ? Ông Bùi Quốc Dũng phân tích có thể thị trường quá quen với tỉ giá ổn định nên cứ giá USD chạm mốc 23.000 đồng/USD là lại "giật mình". Thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng về tâm lý nhiều hơn như căng thẳng quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ nên đồng nhân dân tệ giảm mạnh, thị trường lo ngại VNĐ cũng mất giá theo?
"Thị trường chứng khoán giảm, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều liệu có rút vốn cũng xuất hiện tâm lý lo ngại tỉ giá. Lạm phát tăng cũng ảnh hưởng tỉ giá. Trên thị trường liên NH, giải ngân ngân sách chậm nên tiền gửi ở kho bạc của các NH thương mại nhiều, lãi suất liên NH ở mức thấp nên tâm lý của các NH thương mại cũng muốn nắm giữ USD nhiều hơn. Các yếu tố này, cả khách quan và chủ quan tác động lên tỉ giá nhưng thực tế là cung cầu ngoại tệ rất ổn định" – ông Dũng dẫn chứng.
Thực tế, NHNN cho biết sẵn sàng can thiệp và bán ngoại tệ để hỗ trợ thị trường ổn định tỉ giá nhưng chưa NH thương mại nào đăng ký mua.
NH thương mại niêm yết giá giao dịch USD khá cao nhưng không mua ngoại tệ từ NHNN cho thấy yếu tố tâm lý chi phối rất nhiều. Và theo một số chuyên gia, về cơ bản trong 1 năm, tỉ giá biến động khoảng 2% là rất bình thường.
Bình luận (0)