Xu hướng mua vàng qua kênh online gia tăng từ khi có dịch Covid-19: Ảnh: Linh Anh
Ngày 17-5, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến quanh mức mua vào 48,5 triệu đồng/lượng, bán ra 48,8 triệu đồng/lượng, tăng thêm khoảng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Chốt tuần giao dịch, mỗi lượng vàng SJC tăng thêm khoảng 550.000 đồng. Đây cũng là mức cao nhất trong nhiều tuần qua.
Giá vàng thế giới cũng tăng mạnh trong phiên cuối tuần và chốt tuần giao dịch ở mức cao 1.742 USD/ounce, nhưng vẫn được dự báo sẽ tiếp tục đi lên trong những ngày tới.
Tại cuộc khảo sát do Kitco thực hiện về xu hướng của giá vàng trong tuần tới, cả chuyên gia phân tích thị trường và nhà đầu tư đều dự báo kim loại quý sẽ đi lên với tỉ lệ cao.
Với cuộc khảo sát ở Phố Wall, 71% trong tổng số 14 chuyên gia phân tích thị trường cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chỉ 14% dự báo giảm và số còn lại nhận định sẽ đi ngang.
Ở cuộc khảo sát trực tuyến tại Main Street, 69% trong tổng số 1.088 nhà đầu tư cho biết giá vàng tăng, 16% dự báo giá vàng thấp hơn và số còn lại cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Với thị trường vàng trong nước, tăng chậm hơn so với thế giới khiến khoảng cách chênh lệch giãn rộng nhưng theo hướng giá vàng SJC rẻ hơn tới 400.000 đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua – bán cũng được các doanh nghiệp thu hẹp còn khoảng 300.000 đồng/lượng dù giá biến động mạnh.
Thị trường vàng trong nước những ngày qua trầm lắng, kể cả sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mở cửa hoạt động lại bình thường. Xu hướng kinh doanh trên thị trường vàng gần đây cũng có sự thay đổi, khi nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang cả mua, bán vàng online.
Tại toạ đàm trực tuyến về "Cơ hội đột phá hệ thống phân phối từ Covid-19" do Thời báo Kinh Tế Sài Gòn vừa tổ chức, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết đặc thù của ngành vàng, trang sức trước đây luôn cần có sự trải nghiệm thực tế của khách hàng nên kênh truyền thống đóng vai trò chủ yếu. Nhưng dịch Covid-19 khiến xu hướng này có sự thay đổi, dịp 14-2 và 8-3 qua, PNJ đã đẩy mạnh kênh online vì khách hàng không đi đến cửa hàng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đồng thời bổ sung trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau.
Cũng theo lãnh đạo PNJ, trước đây dự báo kênh thương mại điện tử tăng gấp đôi, nhưng chỉ 2 tháng dịch bệnh vừa qua đã tăng gấp 4 lần. Người tiêu dùng đã có thói quen trực tuyến, mua sắm nhiều hơn. Trong sức ép của đại dịch, khách hàng thay đổi thói quen mua sắm rất nhanh, nên doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị nếu không sẽ khó theo kịp.
Bình luận (0)