Trong số này, thép xây dựng là mặt hàng đã tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay. Một số nhà thầu xây dựng cho biết tháng nào cũng nhận được báo giá mới, có tháng tăng giá 2-3 lần.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chỉ riêng tháng 10, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 192.000 đồng/kg thép, tùy thương hiệu... Tương tự, từ ngày 25-10, giá xi măng cũng tăng mạnh, trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn. Nguyên nhân là do giá than trong nước tăng bình quân từ 7% - 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò cũng tăng giá hơn 10% và hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng đều tăng giá. Trong khi đó, giá than chiếm 40% - 45% giá thành sản xuất xi măng.
Giá thép và các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng đã ảnh hướng lớn đến các công trình xây dựng
Mới đây nhất, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 thông báo tăng 80.000 đồng/tấn xi măng Vicem Hà Tiên cho chủng loại bao 50 kg trên tất cả tỉnh, thành cả nước kể từ ngày 1-11. Lý giải cho việc tăng giá bất khả kháng này, công ty cho biết: "Hiện giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt là nguồn cung than đá khan hiếm, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Mặc dù công ty đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm trong sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí".
Ngoài ra, các loại vật liệu khác cũng tăng giá đáng kể từ cuối tháng 10. Công ty CP Bê tông Terra Yamaken vừa thông báo tăng 50.000 đồng/m3 bê-tông. Công ty CP Nhựa Bình Minh báo giá mới tăng trung bình 12% với các sản phẩm PVC-U, phụ tùng PVC-U và keo dán… Theo đại diện Công ty CP Nhựa Bình Minh, việc tăng giá là do một số quốc gia lớn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 và thiên tai đã gây biến động về nguồn cung và giá nguyên vật liệu tăng cao so với bình quân của 9 tháng đầu năm 2021.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, hiện không chỉ các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá. Lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận".
"Hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư" - ông Hiệp phân tích.
Chủ đầu tư một dự án bất động sản lớn tại TP HCM cũng khẳng định giá bán nhà ở xây thời gian tới chắc chắn cũng sẽ tăng theo giá bán của các loại vật liệu xây dựng để bù đắp chi phí.
Bình luận (0)