Theo phản ánh của nhiều hành khách có nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, giá vé máy bay các chặng nội địa thời điểm này tăng khá cao so với cùng kỳ và trước đó. Đáng chú ý, hiện tại đang là mùa thấp điểm của khách nội địa và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cũng không tăng đột biến.
Ảnh hưởng du lịch
Cách đây vài ngày, chị Hiền Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đặt vé cho cả gia đình 7 người bay chặng TP HCM đi Hà Nội với tổng chi phí hơn 14 triệu đồng. Như vậy, giá vé trung bình của chiều bay này là 2 triệu đồng, tương đương 4 triệu đồng/vé khứ hồi, cao hơn đáng kể so với mức giá thấp điểm thường khoảng 3 triệu đồng/vé khứ hồi.
"Không hiểu vì sao giá vé tăng cao dù đang thấp điểm và đường bay này có nhiều chuyến. Do có việc gia đình nên tôi buộc phải mua, còn nếu vì mục đích du lịch thì có lẽ phải cân nhắc" - chị Minh nói.
Cũng đặt vé chặng TP HCM - Hà Nội, chị Ngọc Thủy (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) phải trả tới 5,2 triệu đồng/vé khứ hồi, tăng mạnh so với giá chỉ khoảng 3,3 - 3,8 triệu đồng/chặng khứ hồi cách đây không lâu. Ở chặng TP HCM - Đắk Lắk, giá vé khứ hồi hiện khoảng 3 triệu đồng, thay vì khoảng 1,8 triệu đồng/vé khứ hồi trước đây.
Theo một số đại lý vé máy bay, giá vé bắt đầu nhích lên trong vài tuần qua khiến số lượng khách lẻ đặt vé đi du lịch giảm. Các công ty du lịch cũng xác nhận giá vé máy bay tăng ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tour, tuyến từ TP HCM đi các điểm đến ở miền Trung, miền Bắc, thậm chí còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của du lịch nội địa.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho hay bản thân ông đi công tác liên tục bằng đường hàng không và cũng "choáng" với giá vé. Theo tính toán của ông Huy, vé Tết chặng TP HCM - Hà Nội có thể lên tới 10 - 12 triệu đồng/vé khứ hồi, kéo giá tour lên khoảng 19 - 20 triệu đồng cho lịch trình 5 ngày.
"Với giá như thế này, các điểm đến phía Bắc cũng như du lịch trong nước nói chung sẽ không thể cạnh tranh được với tour đi Thái Lan chỉ khoảng 10 triệu đồng" - ông Huy lo lắng.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc mới đây cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị có giải pháp bình ổn giá vé máy bay nội địa và tăng số lượng chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc. Theo công ty này, một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút số lượng khách đến Phú Quốc là do giá vé máy bay đang cao bất hợp lý.
Giá vé máy bay đang tăng dù thời điểm này không phải cao điểm của du lịch trong nước. Ảnh: LAM GIANG
Nhiều giải pháp giữ giá vé hợp lý
Dù giá vé máy bay tăng cao nhưng các hãng hàng không khẳng định vẫn đang lỗ và tiếp tục kiến nghị tăng trần giá vé máy bay trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết giá vé máy bay được thực hiện theo cơ chế linh hoạt với nhiều dải giá, tùy tình hình cung - cầu thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé... Đối với thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam tuân thủ quy định của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, không bán vé quá giá trần.
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam cũng như thế giới đang phải đối mặt việc tăng chi phí khai thác với một số nguyên nhân. Trong đó, giá nhiên liệu Jet A1 tháng 10-2023 ở mức trên 122 USD/thùng, tăng hơn 60% so với năm 2019. Ngoài ra, tỉ giá hối đoái biến động trong khi giá bán vé tại Việt Nam được thanh toán bằng tiền đồng nên các hãng vẫn chưa thể có lãi.
Để giá vé máy bay ở mức hợp lý, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải triển khai một số giải pháp. Đầu tiên là chỉ đạo các hãng tăng nguồn cung. Theo báo cáo, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024, các hãng dự kiến cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, hỗ trợ và khuyến khích các hãng bảo đảm lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác bằng cách tìm kiếm tàu bay thuê ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác hằng ngày của đội tàu bay, tăng cường chuyến ban đêm.
Giảm tải trên nhiều đường bay
Không trả lời trực tiếp câu hỏi vì sao giá vé máy bay tăng ở thời điểm hiện tại, đại diện một số hãng hàng không thông tin đang có tình trạng giảm tải trên nhiều đường bay và thu hẹp hoạt động.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, Bamboo Airways tiếp tục thu hẹp mạng lưới, dừng khai thác một loạt đường bay từ TP Hà Nội, TP HCM đi Anh, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Thái Lan, Nhật Bản. Việc này khiến nhiều công ty du lịch khai thác tour outbound (đi nước ngoài) bị ảnh hưởng bởi đã đặt cọc hàng trăm triệu đồng tiền vé máy bay đi quốc tế, nay phải chi thêm tiền mua vé của hãng khác để bán tour cho khách. "Giá vé máy bay mua đi ngay của hãng khác cao hơn rất nhiều so với đặt trước số lượng lớn, nên chúng tôi quyết định hủy tour này" - giám đốc một công ty du lịch than thở.
Giá vé Tết 2024 dự kiến tương đương năm 2023
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao, dồn vào ngày bay và khung giờ đẹp, dẫn đến hết chỗ sớm và giá vé cũng cao hơn. Vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính đặc thù - chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít hoặc thậm chí không có khách. Bởi vậy, các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều bù đắp cho chặng bay hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần. Dự kiến, mặt bằng giá vé Tết 2024 tương đương năm 2023.
Bình luận (0)