Chỉ trong vòng 6 tháng qua, giá xăng bán lẻ trong nước đã 3 lần được điều chỉnh theo hướng tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2005, thuế suất nhập khẩu xăng các loại cũng được điều chỉnh 3 lần và nay đã hạ xuống mức thấp nhất (0%). Với giá bán và mức thuế suất nhập khẩu hiện tại, về lý thuyết, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu trong nước xem như được trút bớt gánh nặng thua lỗ. Trên thực tế, khó khăn của ngành xăng dầu ngày càng nhiều, không phải vì sức ép về giá, mà chính là do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong cách tổ chức, điều hành hệ thống phân phối nội địa.
Có tiết lộ bí mật giá?
Hiện nay, quy chế mới về điều kiện cần và đủ để cho phép lập tổng đại lý xăng dầu còn đang soạn thảo. Lợi dụng điều này, nhiều tổng đại lý đã và đang thao túng, lũng đoạn thị trường xăng dầu. Các DN đầu mối không kiểm soát được hệ thống tiêu thụ, dẫn đến tình trạng nhiều tổng đại lý đăng ký hệ thống tại các địa bàn xa nhưng tiêu thụ hàng ngay tại đầu nguồn nhằm giảm chi phí để tăng cạnh tranh, gây lộn xộn ở địa bàn đầu nguồn. Thêm vào đó, trong nội bộ ngành xăng dầu nhiều năm qua đã rộ lên nghi vấn về việc “tay trong” tiết lộ bí mật giá cho tư thương, gây sốt ảo và lợi nhuận sau đó chảy vào túi của một số cá nhân. Dù đây mới là nghi vấn, nhưng tình trạng tổng đại lý găm hàng, đầu cơ trước mỗi đợt Nhà nước tăng giá bán xăng, dầu là có thật và những đợt mua - bán với sản lượng tăng - giảm bất thường của một số tổng đại lý (thuộc các DN đầu mối) điển hình đã phản ánh điều này.
Tại Vĩnh Long, 2 ngày trước thời điểm tăng giá xăng A92 lên 6.000 đồng/lít (22-2-2004), sản lượng mua tăng 2.851% (trước đó tăng không đáng kể); 2 ngày trước thời điểm giá xăng A92 tăng lên 7.500 đồng/lít (1-11-2004), sản lượng mua tăng 100% trong khi trước đó không mua hàng. Tại Vũng Tàu, trước thời điểm xăng A92 tăng lên 7.000 đồng/lít (19-6-2004) khoảng 10 ngày, sản lượng tăng 4.454%, trong khi trước đó không tăng. Qua hệ thống bán lẻ trực tiếp, tại Vĩnh Long trước thời điểm 19-6-2004 tăng 200%, Long An tăng 96%, Vũng Tàu tăng 144%, Đồng Nai tăng 248% - 422%...
Tồn kho nhiều ngày, công nợ kéo dài...
Tình trạng tồn kho tại các DN cũng là một trong những bức xúc lớn hiện nay. Trong hệ thống Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex VN), mức tồn kho ở một số công ty là khá cao. Chẳng hạn như tại Bà Rịa - Vũng Tàu mặt hàng FO tồn bình quân 42 ngày; tại Long An dầu DO tồn bình quân 27 ngày; tại Đồng Nai mặt hàng FO tồn 35 ngày, công nợ lớn và kéo dài nhiều ngày (trên 30 ngày). Theo Petrolimex VN, trước mỗi đợt tăng giá là thời điểm tốt nhất để thu hồi công nợ hoặc bán hàng theo phương thức thanh toán ngay nhưng hầu hết các DN đầu mối có hệ thống tổng đại lý đã không tận dụng cơ hội này. Vì thế công nợ luôn cao hơn số dư nợ bình quân và số ngày nợ cao hơn hợp đồng. Nhiều DN đầu mối vừa bị tổng đại lý chiếm dụng vốn, vừa phải trả lãi suất vay ngân hàng. Riêng Petrolimex VN, tính đến thời điểm cuối năm 2004, tổng số công nợ phải thu khó đòi toàn tổng công ty là 24 tỉ đồng.
Trong bối cảnh giá nhập khẩu xăng dầu biến động mạnh theo chiều hướng tăng và kinh doanh xăng dầu còn gặp khó khăn, nhất thiết phải đánh giá và lựa chọn khách hàng một cách kỹ càng để tránh rủi ro về tài chính, nhưng đa số các đầu mối xăng dầu còn xem nhẹ điều này.
604 trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh Trong đợt kiểm tra gần đây nhất, cơ quan chức năng Bộ Thương mại đã phát hiện và xử lý 604 trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, 653 trường hợp vi phạm quy chế kinh doanh xăng dầu, hàng trăm đại lý và tổng đại lý ký hợp đồng với nhiều đầu mối... Đặc biệt, có DN đầu mối không có cửa hàng nào, nhiều tổng đại lý không hề có thị trường riêng, nhân sự chỉ lèo tèo vài ba người nhưng vẫn... mua bán ì xèo! |
Bình luận (0)