Chuẩn bị cho sự chào đời của con gái đầu lòng vào tháng 8 năm nay, chị Trần Vy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) và chồng đã lập một kế hoạch tài chính cho gia đình nhỏ từ một năm trước. Nhưng tới hiện tại, kế hoạch này đối mặt với nguy cơ phá sản vì "bão giá". "Chúng tôi lên kế hoạch trích 10% thu nhập để dành nhưng 2 tháng trở lại đây, dù đã hạn chế chi tiêu mà vẫn không đủ. Mọi chi phí đều đội lên theo giá xăng trong khi lương nhân viên văn phòng của tôi và chồng vẫn như thế" - chị Vy than thở.
Chị C.N (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết hồi giữa tháng 5, chị và bạn bè có kế hoạch tổ chức tour du lịch tự túc qua 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình vào cuối tháng 6 nên liên hệ thuê xe 16 chỗ. Khi đó, nhà xe chốt giá 7,5 triệu đồng nhưng nay họ báo giá mới là 10 triệu đồng khiến cả nhóm đang băn khoăn về việc có nên tiếp tục thực hiện chuyến du lịch.
Khó khăn nhất vẫn là doanh nghiệp (DN) vận tải hoặc tài xế nhận chạy khoán theo tuyến. Hơn 15 năm gắn bó với nghề tài xế xe đường dài (tuyến TP HCM - Hà Nội), ông Phạm Xuân Thủy (ngụ quận 12, TP HCM) rất mệt mỏi khi phải chạy xe theo hợp đồng với nhà xe dù nhiều lúc bị lỗ. "Nếu dừng chạy thì chỉ bán xe mới trang trải được các khoản vay nợ làm ăn trước" - ông Thủy buồn rầu nói.
Ông Trần Văn Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), quản lý một số đầu xe chạy hợp đồng, cũng xác nhận giá thuê xe đang tăng liên tục bởi ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng phi mã. Còn bà V.T.T (đầu tư xe buýt tại TP HCM) thì tâm sự đã phải bán gần hết xe vì hoạt động không hiệu quả, chỉ giữ lại 2 chiếc chạy cầm chừng. "Nguồn thu của xe buýt đến từ vé khách mua và tiền trợ giá từ ngân sách. Tiền trợ giá hằng tháng chỉ tạm tính theo giá xăng dầu 10.000-14.000 đồng/lít, phần chênh lệch phải nửa năm sau mới nhận được nên chúng tôi không thể gồng thêm" - bà V.T.T cho hay.
Về phía DN sản xuất, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C, cho biết theo tính toán mới nhất, chi phí vận chuyển nội địa của DN hiện nay đã tăng gấp 2 lần so với tháng 1-2022 bởi tác động từ giá xăng dầu. "Nông sản có giá trị thấp nên cước vận chuyển chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá hàng hóa. Trong khi đó, các chi phí đầu vào khác của DN đều tăng mà DN vẫn phải giữ giá bán sản phẩm vì sức mua thị trường đang thấp" - ông Thứ bày tỏ.
Ngay cả DN kinh doanh xăng dầu cũng chẳng sung sướng gì trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1, than thở giá xăng dầu tăng cao khiến giá vốn của DN cũng tăng lên trong khi dòng tiền hiện rất khó khăn. Chưa kể, mức chiết khấu mà các đầu mối xăng dầu dành cho DN kinh doanh hiện cũng rất thấp nên DN hầu như không có lãi.
"Trên địa bàn TP Hà Nội, mức chiết khấu mà đầu mối dành cho chúng tôi là 50-100 đồng/lít dầu và 200 đồng/lít xăng. Còn tại TP Hải Phòng, DN bán lẻ được hưởng chiết khấu 500-600 đồng/lít xăng dầu. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển chiếm tới 400-600 đồng/lít xăng dầu. Chỉ tính mỗi ngày, một cây xăng ở TP Hà Nội tiêu thụ khoảng 20.000-30.000 lít xăng dầu thì đủ thấy áp lực bù lỗ rất lớn" - ông Tiu phản ánh và kiến nghị đẩy nhanh quy trình xem xét giảm thuế xăng dầu bởi DN mong ngóng từng giờ.
Bình luận (0)