Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu lẽ ra phải được giảm nhiều hơn 500 đồng/lít. Ảnh: Tấn Thạnh
Lãi nhiều, giảm giá ít
Giải thích trước việc xăng giảm giá “nhỏ giọt” trong khi 2 lần gần đây nhất đã tăng tổng cộng 3.000 đồng/lít (tăng 2.100 đồng/lít ngày 7-3 và 900 đồng/lít ngày 20-4), ông Thỏa cho rằng việc điều chỉnh này đã được Cục Quản lý giá cân nhắc, tính toán dựa trên lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Việc giảm giá xăng 500 đồng/lít từ 22 giờ ngày 9-5 dựa trên cách tính giá bình quân tại Nghị định 84. Cơ sở để so sánh tại nghị định này là giá bình quân 30 ngày, so với 30 ngày trước đó. Nếu tính toán như vậy thì từ ngày 9-4 đến 8-5, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm 2,78% - 4,69%. Tức là giá cơ sở thấp hơn giá hiện hành đối với xăng là 828 đồng/lít, dầu diesel là 626 đồng/lít.
Theo nguyên tắc, việc điều chỉnh phải theo thứ tự khôi phục thuế, quỹ bình ổn, sau đó mới giảm giá. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích các bên, trong lần này, cơ quan quản lý đã tiến hành giảm giá và khôi phục thuế một phần. “Như tính toán, lẽ ra tính trung bình xăng dầu có thể giảm tối đa được 800 đồng/lít, tuy nhiên, thuế xăng dầu đã ở mức 0% từ quá lâu nên khi điều kiện cho phép phải khôi phục dần. Thuế nhập khẩu xăng, dầu theo luật là 15% - 20% nhưng lần này mới khôi phục được 2% - 3% (khoảng 300 đồng). Đây cũng là nguồn lực tài chính để bình ổn khi giá xăng dầu thế giới có biến động”- ông Thỏa giãi bày.
Liên quan đến thông tin thời gian gần đây DN xăng dầu có lãi từ 1.200 - 1.300 đồng/lít, ông Thỏa khẳng định không có chuyện DN lãi “khủng” như vậy mà các cơ quan chức năng không biết. Theo ông Thỏa, hiện nay điều hành giá xăng, dầu theo Nghị định 84 đã tính toán lãi cho DN là 300 đồng/lít, chi phí kinh doanh là 600 đồng/lít.
Hiệu ứng tâm lý là chính
TS kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết mặc dù mức giảm giá xăng không nhiều như mong đợi và chưa thể làm hài lòng người tiêu dùng nhưng vì giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến các mặt hàng khác nên phần nào có tác dụng đến tâm lý người dân. Về mức giảm 500 đồng/lít xăng, TS Phong cho rằng thực tế giá xăng còn có thể giảm nhiều hơn nữa nhưng do nguồn thu ngân sách thâm hụt và nếu cứ diễn ra trong thời gian dài sẽ không tốt. Ở thời điểm này, đây là giải pháp có thể chấp nhận được.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, cho rằng lần giảm giá này mang hiệu ứng tâm lý là chính bởi tăng đến 3.000 đồng/lít nhưng chỉ giảm 500 đồng/lít thì không “ăn thua” gì. Trong khi đó, ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng việc giảm giá xăng sẽ giảm các chi phí đầu vào cho các hoạt động kinh doanh, giảm bớt gánh nặng cho DN trong thời gian tới. “Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã tỏ ra “khôn ngoan” khi vừa giảm giá xăng lại vừa tăng thuế nhập khẩu. Tức là vừa tăng thu cho Nhà nước nhưng vẫn chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho DN và người dân”- ông Ngô Trí Long nói.
Sẽ sửa Nghị định 84 Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận Nghị định 84 có những bất cập, cần phải xem xét sửa đổi trong thời gian tới. Theo đó, Nghị định 84 sẽ được sửa đổi theo hướng chi phí kinh doanh cho DN theo sát thực tế (hiện là 600 đồng/lít) và thời gian so sánh giá là 30 ngày như hiện nay. Ngoài ra, quỹ bình ổn xăng dầu cũng sẽ được cân nhắc theo hướng không để tại DN mà tập trung ở Kho bạc Nhà nước để quản lý dễ hơn. Ông Thỏa cũng cho rằng thời gian so sánh giá lên tới 30 ngày quá dài, cần phải sửa đổi. “Đợt điều chỉnh giá vừa rồi, chúng tôi cũng thử tính theo thời gian 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng/lít xăng” - ông Thỏa nói. |
Bình luận (0)