Ngày 17-4, liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục tăng trong kỳ điều hành lúc 15 giờ cùng ngày. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 1.115 đồng/lít; xăng RON 95 thêm 1.202 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng 29-407 đồng/lít, kg tùy loại. Sau điều chỉnh, giá mỗi lít E5 RON 92 tối đa 19.703 đồng; RON 95 có mặt bằng giá mới 21.235 đồng. Giá dầu hỏa tối đa 16.262 đồng/lít; dầu diesel 17.384 đồng/lít và dầu ma dút 15.617 đồng/kg.
Xăng dầu đã có hai đợt tăng giá mạnh chỉ trong vòng nửa tháng. Trong ảnh: Một cây xăng của Petrolimex tại TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Liên bộ cũng tiếp tục xả Quỹ bình ổn xăng dầu 1.456 đồng với mỗi lít xăng E5 RON 92; 743 đồng với RON 95. Các mức chi quỹ với xăng giảm khoảng 560 đồng/lít so với kỳ điều hành cách đây 15 ngày. Như vậy, chỉ trong 2 kỳ điều hành của tháng 4, với giá xăng RON 95 đã tăng tổng cộng khoảng 2.690 đồng /lít và 2.480 đồng/lít với E5 RON92.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá 2 kỳ điều hành vừa qua, cơ quan quản lý vừa tăng giá vừa xả quỹ là khá hợp lý, để vẫn còn dư địa quỹ bình ổn cho những kỳ điều hành tiếp theo. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh việc xả quỹ bình ổn liên tục ở mức cao sẽ tạo áp lực cho kỳ điều hành sắp tới bởi những diễn biến phức tạp của giá xăng dầu trên thế giới. Trong khi đó, một số doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối trong nước cho biết đang bị âm quỹ bình ổn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng khi DN "ứng" tiền để bù đắp quỹ thì nhà nước cần có chính sách để họ không bị thiệt, bảo đảm hài hòa lợi ích cả ba bên là nhà nước, DN và người dân. "Để tạm ứng xả quỹ, DN phải móc tiền túi hoặc phải đi vay, trong khi việc thu hồi không thể sớm được. Nếu DN âm quỹ sẽ dễ xảy ra tình trạng "găm hàng", như kỳ điều hành ngày 18-3 vừa qua, khi xả quỹ ở mức cao nhưng giá lại không tăng dẫn đến nguồn cung khan hiếm ở một số nơi, đây là một bài học trong điều hành giá" - ông Long nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam khó chịu được trước những diễn biến giá xăng dầu trên thế giới. Theo ông, quỹ bình ổn có hạn, cần phải để dư địa cho những kỳ điều hành tiếp nên rất khó để cân đối được trong bối cảnh giá trên thế giới tăng mạnh và có xu hướng tiếp tục tăng. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho biết chỉ trong vòng nửa tháng (từ ngày 2 đến 17-4) giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, cùng với giá điện tăng từ ngày 20-3 sẽ tác động mạnh đến các mặt hàng khác, đối tượng cuối cùng phải chịu tác động là người dân.
Ông Ngô Trí Long cũng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 sẽ biến động khá lớn khi giá năng lượng tăng liên tiếp. Ông lo ngại kiểm soát lạm phát trong năm 2019 với mục tiêu 4% sẽ gặp không ít thách thức khi giá xăng dầu trên thế giới luôn là một ẩn số.
Về phía DN, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, một DN vận tải có quy mô lớn ở miền Bắc, cho biết ông đang đau đầu khi giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh. "Giá nhiên liệu tăng nhưng nhà xe không thể tăng vé ngay được, khách hàng sẽ phản ứng" - ông Bằng lo ngại và cho biết trước mắt DN đang cố gắng cân đối các chi phí, cắt giảm một số khoản khác để bù đắp. Nếu giá nhiên liệu còn tăng sẽ cân nhắc phương án điều chỉnh giá dịch vụ vận tải cho phù hợp.
Tiểu thương ở các chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại TP HCM như chợ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cho biết việc tăng giá dầu hồi đợt trước khá mạnh ít nhiều đã tác động đến giá hàng hóa vào chợ do chi phí vận chuyển tăng. Nay giá xăng dầu lại tăng nên chỉ sau thời gian ngắn nữa sẽ được cộng thêm vào giá hàng hóa.
Các nhà sản xuất sắt thép, xi-măng cũng đang tính toán điều chỉnh tăng vài chục ngàn đồng/tấn sản phẩm vì chi phí vận tải chiếm tỉ trọng khá lớn, chưa kể một số DN còn sử dụng dầu để chạy máy móc.
Bình luận (0)