Nhằm tìm ra những đóng góp quan trọng trong quá trình sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu, ngày 21-9, Viện Kinh tế VN đã tổ chức hội thảo “Thị trường kinh doanh xăng dầu: Những vấn đề quản lý Nhà nước và kinh doanh hiện nay”. Trong hội thảo này, về cơ bản, giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.
Xung đột lợi ích
Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, phân trần cơ chế giá xăng đã có hai lần đột phá để theo cơ chế thị trường. Đầu tiên là Quyết định 187/2003 của Chính phủ chuyển sang cơ chế Nhà nước quy định giá định hướng, sau đó là Nghị định 55/2007 cho phép doanh nghiệp được tự quyết định giá bán lẻ.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan không thuận lợi, buộc Nhà nước vẫn phải nắm giá xăng dầu nhưng với cơ chế này, người tiêu dùng được hưởng giá rẻ hơn giá thành. TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, cho rằng chính xung đột lợi ích đã tạo dư luận không hay về giá xăng dầu và chúng ta đang hoạch định chính sách theo áp lực dư luận.
Hiện nay, thuế thu về cho ngân sách chiếm 30%-40% cơ cấu giá xăng nên giá xăng tăng thì quyền lợi của Nhà nước và doanh nghiệp cùng tăng, chỉ quyền lợi người tiêu dùng bị thiệt. Nên tách quyền lợi của Nhà nước với quyền lợi của doanh nghiệp. 20 năm nay, cơ chế điều hành giá xăng chưa thoát khỏi tư duy lẫn giữa kinh doanh và mục tiêu chính trị nên mỗi khi hạch toán lỗ lãi, doanh nghiệp nói họ phải phục vụ mục tiêu chính trị.
Nên có giá trần
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết theo cơ chế mới đang được Bộ Tài chính soạn thảo, doanh nghiệp sẽ thực sự được định giá bán theo thị trường, không phải xin phép cơ quan Nhà nước.
Khi giá thế giới (giá vốn) tăng đến 7%, doanh nghiệp được quyền tăng giá tương ứng, chỉ cần gửi quyết định về cho cơ quan Nhà nước hậu kiểm. Giá vốn tăng từ 7%-12%, doanh nghiệp tiếp tục được tăng giá và dùng quỹ bình ổn bù đắp. Chỉ khi giá vốn tăng trên 12%, Nhà nước mới can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Thời gian xem xét điều chỉnh là 10, 20 hoặc 30 ngày, chưa thống nhất giữa Bộ Tài chính và Công Thương. Nhưng doanh nghiệp và các nhà khoa học lại không đồng thuận với quan điểm này.
Theo TS Vũ Đình Ánh, giá xăng dầu cần theo thị trường nhưng không nên giao cho doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ. Nhà nước phải quyết định việc này bằng cách ban hành giá trần vì phần thu về ngân sách rất lớn. Để tăng tính cạnh tranh, Nhà nước nên bỏ cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu hằng năm.
Bản thân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng muốn được quyết định giá bán trong khung cho phép. Ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, cho rằng giá xăng dầu phải bảo đảm quá nhiều mục tiêu: Bộ Tài chính muốn có nguồn thu, Bộ Công Thương muốn thị trường cung ứng liên tục, người tiêu dùng muốn công khai giá. Vì chọn quá nhiều mục tiêu nên việc thị trường hóa giá xăng dầu mới được thực hiện... trên giấy.
Cơ quan Nhà nước biết rõ không thể thực hiện nhưng vẫn ký quyết định ban hành văn bản. “Nhà nước chỉ nên xác định mục tiêu chính là lập quy hoạch và ban hành khung giá trần. Còn mức cụ thể bao nhiêu, tăng giảm thế nào, nên để doanh nghiệp tự quyết định”- ông Dung đề xuất.
Chỉ nên có 3 doanh nghiệp cạnh tranh Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, Nhà nước chỉ nên can thiệp vào giá xăng dầu khi xảy ra khủng hoảng, không nên “vẽ” công thức tính giá tham chiếu rồi yêu cầu doanh nghiệp đăng ký bán đúng giá như vẫn làm từ trước đến nay. |
Bình luận (0)