Ngày 27-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết giá xăng dầu tăng sốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế hiện nay.
Theo ông Cường, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nếu giá xăng dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao thì dễ nó sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung.
Vận tải là một trong những ngành mà đại biểu Cường cho rằng chịu ảnh hưởng lớn khi giá nhiên liệu tăng cao. Bên cạnh tác động tiêu cực từ dịch bệnh, giá nhiên liệu tăng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn kép.
ĐBQH Hoàng Văn Cường trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng thời điểm hiện tại, rất cần giữ được ổn định giá xăng dầu. "Việc này sẽ rất tốt cho việc phục hồi, kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác, giữ lạm phát"- đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Nhìn nhận giá xăng dầu trong nước tăng một phần là do tác động của giá dầu thế giới, ông Cường cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, chi phí của quá trình vận chuyển, kho bãi đã bị đội lên. Bên cạnh đó, các chi phí khác cũng làm tăng chi phí là: Chi phí logistic, kho bãi, kiểm soát.
Theo Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, công cụ để kiểm soát giá xăng dầu mà Nhà nước có thể tính đến là thuế, phí, như giảm thuế nhập khẩu, hoặc thuế môi trường ở mức hợp lý. Về thuế môi trường, vị đại biểu lưu ý xem xét vì ảnh hưởng đến việc điều tiết hành vi sử dụng xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước, từ đó dự báo mức độ tăng giá. Bộ Tài chính là đơn vị xem xét, trình các chính sách về thuế, phí như thế nào cho hợp lý để trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Trước đó vào chiều 26-10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước dù đã dùng tới Quỹ bình ổn. Mỗi lít xăng E5RON92 tăng 1.430 đồng; xăng RON95 tăng thêm 1.460 đồng/lít. Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán lẻ 23.110 đồng/lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng/lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9-2014).
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết, ở trong nước, tình hình dịch bệnh mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn có diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, cơ quan điều hành giá đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá (BOG) ở mức cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành ngày 26-10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Bình luận (0)