Xuất khẩu rau quả Việt Nam 3 tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014, tình hình xuất khẩu không mấy lạc quan. Trước đây, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nay nước này siết lại nên chúng ta dồn ứ đầu ra.
“Chết” vì quá tự do
Vốn quen kiểu thích gì trồng nấy, trồng theo phong trào nên nhiều năm nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mãi ì ạch. Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả Thực phẩm An Giang - Antesco, các thị trường xuất khẩu khó tính thường yêu cầu rất cao, trong khi chất lượng hàng Việt Nam chưa ổn định, nông dân thiếu quan tâm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ nên không đạt yêu cầu. Điển hình là trái dưa hấu, nông dân sử dụng nhiều phân bón để kích thích tăng trọng nên chỉ 3-4 ngày là hư úng. Muốn giữ dưa lâu hư, nông dân lại dùng thêm 1 loại thuốc bảo quản của Trung Quốc. “Chúng tôi xuất khẩu đậu nành, ngô non và một số loại trái cây như măng cụt, chôm chôm, xoài… sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và châu Âu. Kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm, thị trường có sẵn nhưng mỗi tháng chúng tôi chỉ xuất khoảng 1,2- 1,5 triệu USD, chấp nhận doanh thu ít nhưng kiểm soát tốt chất lượng và giữ uy tín thương hiệu chứ chưa dám bung ra nhận đơn hàng nhiều hơn” - ông Đấu nói.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM, rất nhiều trái cây Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Chưa xét đến yêu cầu về an toàn thực phẩm, chỉ cần số lượng, sự đồng bộ trong trọng lượng, quy cách… đã không đáp ứng được. Trái khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang rất ngọt nhưng chín không đều, trái bơ Đắk Nông mất 7 ngày mới kiếm đủ 1 container… thì làm sao bán được. Không thể chen chân vào các thị trường xuất khẩu; ngay tại thị trường nội địa, số phận của nhiều mặt hàng rau củ, trái cây cũng hết sức bấp bênh. Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH NS TP Thảo Nguyên (chuyên cung cấp rau củ quả Đà Lạt cho Co.opmart, Aeon và một số nhà hàng), cho biết thông tin, số liệu về dự báo thị trường của các cơ quan chức năng lạc hậu, không xác thực; nông dân thiếu thông tin nên chủ yếu nghe ngóng, sản xuất theo phong trào. Bên cạnh đó, đa số nông dân thích trồng đại trà, bán cho thương lái, chấp nhận rủi ro về giá chứ không muốn vào hợp tác xã hoặc tổ sản xuất nông nghiệp vì ngại sản xuất lẻ mẻ (theo đơn đặt hàng), ngại tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ và ràng buộc hợp đồng.
Phải quy hoạch vùng nguyên liệu
Sau cú lội ngược dòng hiệu quả quay về thị trường nội địa năm 2014, ngay từ đầu năm nay, tỉnh Bắc Giang đã đặt hàng TP HCM tổ chức xúc tiến tiêu thụ trái vải trên địa bàn TP và thị trường phía Nam. Một số nhà vườn trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap và đã ký được hợp đồng tiêu thụ với thương nhân chợ đầu mối ở TP HCM. Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cũng đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang để xúc tiến kế hoạch đưa trái vải thiều qua Mỹ.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc công ty, DN đang chờ thông tin từ tỉnh Bắc Giang về nguồn cung ứng bảo đảm chất lượng, năng lực cung ứng, giá cả và tìm đơn vị chiếu xạ để làm thủ tục xuất khẩu trái vải sang Mỹ, hy vọng có thể kịp trong mùa vụ năm nay. Sắp tới, công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhằm tăng thêm giá trị và mở rộng đầu ra cho nông sản Việt. Sau công cuộc “giải cứu” trái vải thành công là hàng loạt cuộc “giải cứu” các mặt hàng nông sản khác đã diễn ra từ giữa năm 2014 đến nay. Cả cơ quan quản lý nhà nước và DN phân phối đều thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, muốn giải quyết tận gốc thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để tạo đầu ra ổn định cho nông sản. “Sắp tới, Sở Công Thương TP HCM sẽ phối hợp với một số tỉnh, thành tổ chức chương trình kết nối này” - bà Hà thông tin.
Riêng tình trạng sản xuất không theo quy hoạch, trồng chặt tùy tiện không ai tư vấn, quản lý đã xảy ra nhiều năm. TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng cách duy nhất để tăng giá trị nông sản Việt Nam là phải có quy hoạch vùng nguyên liệu dựa trên nghiên cứu thị trường, xem thị trường nào cần, mình có khả năng ký hợp đồng với thị trường đó không để tổ chức sản xuất. Quan trọng hơn nữa là phải đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch, cụ thể là công nghệ chế biến (sấy, đóng hộp, làm rượu, nước trái cây lên men…). Lĩnh vực này chúng ta còn rất yếu kém và thiếu sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm đưa ra chính sách, khuyến khích nông dân vào HTX, nghiên cứu cây giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và tổ chức thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; Bộ Công Thương dự báo, điều tiết thị trường, kết nối sản xuất - tiêu thụ . “Lẽ ra phải tổ chức thí điểm tại một vài địa phương, mời các nhà khoa học, nhà kinh tế góp ý để rút kinh nghiệm và triển khai rộng ra cả nước. Rau quả là thực phẩm vĩnh cửu của loài người nên xuất khẩu rau quả luôn rất tiềm năng, đặc biệt đối với đất nước có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp như Việt Nam” - TS Võ Mai nhận định.
Tồn tại thói quen xấu
Mới đây, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức cuộc họp để vận động các hệ thống phân phối cả truyền thống lẫn hiện đại góp phần hỗ trợ nông dân và DN tiêu thụ 45.000 tấn hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Tại buổi họp, bên cạnh mối quan tâm làm sao xây dựng chuỗi liên kết bền vững, ổn định giữa nhà sản xuất và các đơn vị phân phối thì tình trạng tăng giá tùy tiện, không bảo đảm tính cam kết cũng là mối quan ngại. Thói quen vô tư phá giá khi ứ hàng, làm giá khi thị trường có dấu hiệu tích cực của một bộ phận nông dân đã tồn tại từ lâu, làm ảnh hưởng đến thị trường chung. “Tỉnh đoàn Sóc Trăng nhờ chúng tôi hỗ trợ tiêu thụ hành tím giúp nông dân. Đợt đầu, ban quản lý chợ mua 1 tấn với giá 7.500 đồng/kg, cộng tất cả chi phí thì 10.200 đồng/kg, bán ra 11.000 đồng/kg và chỉ trong 1 buổi chiều đã bán hết. Hôm sau, phía Sóc Trăng báo giá lên 9.000 đồng/kg nhưng củ hành bị ướt nên chúng tôi chỉ có thể ủng hộ thêm 500 kg” - đại diện Ban Quản lý chợ Bà Chiểu kể.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Antesco:
Cần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nông dân
Muốn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gia tăng lợi nhuận và xuất khẩu được thì phải đầu tư mạnh từ khâu cây giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và công nghệ chế biến sau thu hoạch; đặc biệt là sau thu hoạch - khâu quan trọng quyết định đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù nhà nước cũng có một số chính sách hỗ trợ nông dân, DN vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp nhưng rất ít nông dân, DN tiếp cận và sử dụng được nguồn vốn này. Bản thân Antesco đang đầu tư 6 triệu USD để xây thêm 1 nhà máy chế biến rau quả, phải vay vốn ngân hàng với lãi suất hơn 10%/năm. Lẽ ra, nếu được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 8% thì DN sẽ đỡ khổ hơn. Vì vậy, bên cạnh việc quy hoạch chung về nông nghiệp: Trồng cây gì? Ở địa phương nào?... thì nhà nước rất cần có chính sách hỗ trợ vốn cho DN, nông dân.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp TP HCM:
Liên kết 4 nhà quá lỏng lẻo
Hiện nay, liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp còn quá lỏng lẻo, thiếu gắn kết. Trong mối quan hệ này, nhà nước phải nắm vai trò cầm trịch để hướng dẫn, hỗ trợ 3 nhà còn lại. Nhà khoa học nghiên cứu, cung cấp giống, quy trình công nghệ sản xuất; nhà DN đầu tư vào nông thôn, hướng dẫn nông dân sản xuất, thu mua, phân loại và tổ chức phân phối; nhà nông sản xuất đúng quy hoạch, bảo đảm quy trình, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện tại, vai trò của nhà nước quá mờ nhạt, chưa nghiên cứu thị trường, hỗ trợ thông tin thị trường cho nông dân, DN dẫn đến tình trạng sản xuất tràn lan, chất lượng kém, chỉ phục vụ được thị trường cấp thấp và không tránh khỏi được mùa mất giá. Nhà nước cần có thêm chính sách, hỗ trợ thiết thực hơn cho lĩnh vực này.
Bình luận (0)