Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết doanh nghiệp (DN) này đang "gõ cửa" các ngân hàng (NH) để tìm vốn nâng cấp máy móc thiết bị và chuẩn bị nguyên liệu sản xuất mùa Tết Quý Mão 2023. "Không chỉ chúng tôi, nhiều DN tại TP HCM, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, cũng đang "khát" vốn trầm trọng" - ông Vũ cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 5-10.
Vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
Vốn luôn là vấn đề của DN khi thị trường bước vào những tháng cuối năm. Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều DN đã phải duy trì sản xuất trong tình trạng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận âm để ổn định chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối.
Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là rất lớn trong giai đoạn kinh tế phục hồi. Ảnh: TẤN THẠNH
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nhiều loại nguyên liệu tăng nóng khiến chi phí đầu vào của DN đội lên. Về phía đầu ra, giá bán không thể tăng tương ứng vì hợp đồng đã ký với đối tác trong khi sức mua thị trường vẫn chưa hồi phục 100%. Do đó, nguồn vốn lúc này vừa giữ cho DN phát triển vừa giúp tạo ra giá trị mới.
Ông Vũ giải thích: "Cái khó gần đây là NH không chỉ tăng lãi suất cho vay mà còn hạn chế room tín dụng khiến DN rất bị động và không thể xoay sở. Quý IV là quý mà DN cần vốn nhiều nhất nên rất mong có nguồn vốn đầy đủ, lãi suất có thể nhích lên nhưng quan trọng là được giải ngân kịp thời các gói vay đã ký".
Cũng liên quan nguồn vốn tín dụng, một trong những kênh được DN trông chờ thời gian qua là gói hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách 40.000 tỉ đồng của nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, các DN vẫn phản ánh chưa tiếp cận được gói này.
Tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM khi khảo sát về tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở thành phố mới đây, bà Trần Diệu Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại cơ khí Tân Thanh, cho rằng vốn là một trong những vấn đề luôn khó và cần thiết với DN nhỏ và vừa. Ngay khi nghe có chính sách hỗ trợ giảm 2% lãi suất cho vay với một số đối tượng DN, bà Thanh liền liên hệ các NH thương mại hỏi về thủ tục.
"Chúng tôi là DN sản xuất cơ khí, thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đang gặp khó khăn về vốn nên rất trông đợi. Có hội nghị triển khai nào liên quan gói hỗ trợ này, chúng tôi cũng cử người tham gia nhưng đến giờ vẫn chưa tiếp cận được vì cán bộ NH nói nhiều tiêu chí không dễ đáp ứng. DN rất mong tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất giảm 2% để giảm chi phí tài chính" - bà Diệu Thanh bày tỏ.
Theo bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, rất nhiều DN gặp khó khăn, nhất là thiếu vốn. Do đó, khi nghe có chính sách giảm 2% lãi suất cho vay của Chính phủ và NH Nhà nước, nhiều DN rất mừng và mong muốn tiếp cận được.
"Chúng tôi cho người tiếp cận nhưng tiêu chí đưa ra để thụ hưởng quá khó, nhất là về "khả năng phục hồi của DN". Với tiêu chí không rõ ràng này, cả DN lẫn NH thương mại đều không làm hồ sơ, rồi NH không dám giải ngân vì sợ sau này thanh tra thì cả DN lẫn NH đều mệt" - bà Lâm Thúy Ái băn khoăn.
Khơi thông các kênh dẫn vốn khác
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 163.300, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy sự lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý IV/2022, với 82,6% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý trước.
Tính đến ngày 20-9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% - mức cao trong nhiều năm qua. Điều này phản ánh nhu cầu vốn tín dụng của DN và nền kinh tế là rất lớn. Dù tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhưng các DN vẫn cho biết thiếu vốn trong bối cảnh các kênh huy động khác là không dễ.
Trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 vừa qua, Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế hiện rất lớn. Nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng NH, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng. Trong khi đó, vốn tín dụng NH chỉ là một trong các nguồn vốn đầu tư và tín dụng NH không thể đáp ứng mọi nhu cầu vốn của nền kinh tế.
"Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này. Trong bối cảnh có nhiều thách thức, NH Nhà nước phải điều hành đồng bộ, linh hoạt, hài hòa tất cả công cụ, giải pháp để thực hiện được mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô" - Phó Thống đốc NH Nhà nước nhấn mạnh.
Dù vậy, hiện nay, không chỉ vốn tín dụng NH mà việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu DN, chứng khoán… đều không đơn giản. Thị trường chứng khoán đã sụt giảm từ vùng đỉnh 1.500 điểm về dưới 1.100 điểm và vẫn đang dò đáy. Dòng tiền yếu khiến các kế hoạch huy động vốn của DN niêm yết gặp khó.
Theo Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ vừa có hiệu lực, quy định mới không siết điều kiện chào bán nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings nhận định điều này giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các DN được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ, là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Tuy nhiên, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn. Do đo,́ nhà phát hành là các DN phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn.
Liên quan việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, lãnh đạo NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại phải rà soát số dư nợ tín dụng. Nếu đúng là DN trong nhóm được hỗ trợ lãi suất mà không nhận hoặc vì lý do nào đó thì phải báo cáo cụ thể. Các vụ, cục thuộc NH Nhà nước phải phối hợp, chỉ đạo các chi nhánh để yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát số dư tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)