Tại tỉnh Bạc Liêu, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) đang thu mua muối trải bạt với giá 900 đồng/kg, muối trắng ngà 700 đồng/kg, tăng hơn 100 đồng so với trước khi triển khai chương trình tạm trữ. Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết đến ngày 8-8, Vinafood 1 mới mua được 900 tấn muối của diêm dân Bạc Liêu. Trong khi đó, lượng muối tồn của tỉnh lên đến 160.000 tấn.
Muối ế vẫn trắng đồng
Dù Vinafood 1 đang thu mua muối tồn tại Công ty Muối Bạc Liêu (trên Quốc lộ 1, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) với giá mà diêm dân đang mong đợi nhưng lại kém khả thi.
Hiện diêm dân ở huyện Đông Hải vẫn chưa bán được hạt muối nào cho Vinafood 1 trong khi giá mua muối tại ruộng vẫn như trước, chỉ khoảng hơn 300 đồng/kg. “Tôi khẳng định 900 tấn muối mà Vinafood 1 đã mua là từ thương lái do diêm dân không thể mang muối đến điểm thu mua” - ông Phạm Xuân Quang, Chủ nhiệm HTX Muối Long Hà (xã Điền Hải, huyện Đông Hải), quả quyết.
Ông Quang lý giải nếu xã viên thuê phương tiện chở muối đến Công ty Muối Bạc Liêu bán thì chi phí thuê vận chuyển khoảng 300-400 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí vận chuyển, diêm dân chỉ thu được khoảng 300 đồng/kg, bằng giá bán tại ruộng. “Chỉ một số thương lái chấp nhận thuê phương tiện vào thu mua để ăn chia tiền vận chuyển chứ họ chẳng kiếm được gì với giá muối hiện tại” - ông Quang phân tích.
Chỉ riêng lượng muối tồn của xã viên Mai Văn Điềm (HTX Muối Long Hà) đã hơn 900 tấn, xấp xỉ số muối mà Vinafood 1 thu mua trong mấy ngày qua. Ông Điềm cho biết đây là số muối tồn kho trong 3 năm qua. “Tôi làm 6 ha muối, thuê 3 nhân công với giá 20 triệu đồng/người/năm. Với giá muối hiện tại, tôi bán hết cũng chỉ đủ trả tiền nhân công. Nghe Chính phủ tổ chức thu mua muối tồn của diêm dân, tưởng đâu được giải cứu nhưng thu mua kiểu này thì chẳng có ý nghĩa gì” - ông Điềm nói.
Cần chuyển đổi sản xuất
Ông Trần Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hải, xác nhận toàn xã hiện tồn khoảng 20.000 tấn muối nhưng đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào bán được muối theo chương trình thu mua tạm trữ. Đây là chương trình cần thiết nhưng chỉ thiết thực khi thu mua tại ruộng.
Theo ông Phú, hầu hết muối tồn kho là ngà và đen. Muối trắng, sạch không nhiều nên đã tiêu thụ hết, không cần hỗ trợ.
Các chuyên gia Nhật đánh giá muối ở Bạc Liêu có chất lượng tốt bởi quy trình sản xuất bảo đảm kỹ thuật lại không bị ảnh hưởng của ô nhiễm, hóa chất. Tuy nhiên, đánh giá của chuyên gia là ở khu vực sản xuất muối trắng (muối trải bạt) chỉ khoảng 83 ha. Trong khi đó, tổng diện tích sản xuất ở Bạc Liêu 2.385 ha, hầu hết là muối đen và muối ngà. Nghịch lý là tất cả khu vực diêm dân sản xuất đều nằm trong quy hoạch và kế hoạch thu mua tạm trữ (có cả chỉ dẫn địa lý) nhưng nhiều năm qua, muối Bạc Liêu vẫn luôn mất giá và khó tiêu thụ.
Ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho rằng bao đời nay, diêm dân địa phương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để sản xuất ra hạt muối nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn mà ngày càng bế tắc. “Để giúp diêm dân thoát nghèo trên đồng muối của họ là rất khó. Do đó, cần có phương án chuyển đổi sản xuất cho diêm dân. Gần đây, mô hình nuôi Artemia làm thức ăn cho tôm tại nhiều địa phương ven biển đã phát huy hiệu quả. Mô hình này phù hợp với các vùng sản xuất muối là điều cần lưu tâm, nghiên cứu để có hướng giúp diêm dân chuyển đổi” - ông Khái kỳ vọng.
TP HCM: Bảo đảm diêm dân có lãi 30%
Ninh Thuận thu mua tận nơi
Ngày 8-8, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cho biết lượng muối tồn kho hiện hơn 100.000 tấn.
Trong tháng 7, giá thu mua muối nền đất chỉ 300 đồng/kg, muối trải bạt 350 đồng/kg, thấp hơn giá thành nên đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn TP hiện có 727 hộ làm muối với diện tích 1.671 ha, tập trung ở huyện Cần Giờ.
Vừa qua, UBND TP HCM đã chấp nhận chủ trương hỗ trợ diêm dân trên tinh thần bảo đảm lãi 30% (căn cứ trên giá thành do địa phương tính toán) và hỗ trợ chi phí vận chuyển muối về kho cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ là Vinafood 1. Hiện kinh phí cụ thể cho đợt hỗ trợ tạm trữ này vẫn đang được các bên tính toán trước khi trình phê duyệt.
Năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP tham mưu cho UBND TP theo hướng tất cả diêm dân được hỗ trợ, dựa trên sản lượng sản xuất chứ không theo lượng bán ra trong đợt mua tạm trữ. Điểm khác này là do rút kinh nghiệm năm trước, diêm dân khó khăn phải bán muối sớm thì không được hỗ trợ, trong khi người có điều kiện giữ lại thì được hưởng lợi, tạo ra sự không công bằng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP đang phối hợp với cơ quan liên quan tìm cách đưa muối lên Tây Nguyên tiêu thụ.
Về lâu dài, ông Trần Ngọc Hổ cho rằng cần quản lý sản xuất muối theo đúng quy hoạch và giúp diêm dân chuyển đổi ngành nghề, như chuyển sang nuôi trồng thủy sản, làm du lịch nhà vườn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này khó thực hiện do đất ở đây nhiễm phèn, mặn, nhiều diện tích liên quan đến rừng phòng hộ nên khó chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngoài ra, người dân không có vốn để chuyển đổi mà cần có sự tham gia của nhà đầu tư.
Từ cuối tháng 7 vừa qua, Vinafood 1 đã triển khai thu mua muối tồn đọng của diêm dân tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 8-8, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết hiện Vinafood 1 đã mua khoảng 3.000 tấn, với giá 620.000 đồng/tấn tại ruộng hoặc kho.
Theo UBND huyện Ninh Hải, đến cuối tháng 7-2016, số lượng muối tồn đọng của diêm dân khoảng 40.000 tấn. Đây là vùng muối lớn nhất của tỉnh. “Nếu đơn vị thu mua đẩy nhanh tiến độ thì trong vài tháng tới sẽ giải quyết dứt điểm lượng muối tồn đọng” - một lãnh đạo của UBND huyện Ninh Hải nói.
Diêm dân Trần Thanh Toàn, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, bộc bạch: “Với giá thu mua 620.000 đồng/tấn, người làm muối có lãi chút đỉnh, tạm đủ trang trải cuộc sống và tái đầu tư”.
Về giải pháp lâu dài, ông Phan Quang Thựu cho biết đã trao đổi với Vinafood 1 kiến nghị Bộ Công Thương có kế hoạch thu mua muối định kỳ hằng năm cho diêm dân.
Ng.Ánh - L.Trường
Bình luận (0)