. Phóng viên: USD đang xuống giá trên thế giới, nhập siêu giảm... thì giá đồng tiền lại tăng mạnh ở nước ta. Ông lý giải ra sao về nghịch lý này?
- TS Cao Sĩ Kiêm: Nghịch lý này có lý của nó. Đó là phản ánh nền kinh tế và đồng tiền của chúng ta. Tỉ giá tăng có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, cung cầu USD căng thẳng hơn trước, mất cân đối cung cầu sẽ đẩy giá USD lên.
Cung cầu vẫn không bảo đảm là do bội chi ngân sách, nhập siêu vẫn ở mức cao trong khi không thu về được USD trôi nổi trên thị trường. Thứ hai, do tác động của nhiều yếu tố như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao làm người dân nghĩ tới chuyện đồng tiền mất giá; giá vàng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán lình xình... nên dẫn tới tâm lý tích trữ USD.
Thứ ba, người có USD không bán ra, người sắp phải thanh toán bằng USD thì mua vào trước do sợ rủi ro tỉ giá càng đẩy giá lên. Các doanh nghiệp đã có LC, đến hạn phải trả mà không mua được USD trong ngân hàng thì chấp nhận mua giá cao để thanh toán. Nếu không sẽ thiệt hại lớn hơn nhiều vì bị mất uy tín, bị phạt hợp đồng... Đây là những đặc thù ở nước ta mà nước khác hầu như không có.
. Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng nghịch lý này còn xuất phát từ chính sách tiền tệ và lãi suất?
- Đúng là còn có sự méo mó của chính sách tiền tệ và lãi suất. Tỉ giá ở nước ta cũng phản ánh thực tế các yếu tố tâm lý, cung cầu, điều hành chính sách tiền tệ... Tỉ giá lên sẽ khiến giá nhập nguyên liệu, vật tư, thiết bị... phục vụ sản xuất, tiêu dùng cùng lên, dẫn tới giá thành bị đội lên.
Giá thành cao sẽ kích lạm phát tăng và nếu lạm phát tăng lãi suất cũng phải lên theo. Đó là một phản ứng dây chuyền, tác động với nhau.
. Phải chăng cũng có sự lúng túng trong việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên, khi thì vì tăng trưởng song lúc khác lại là kiểm soát lạm phát?
- Không phải hoàn toàn do sự lúng túng trong việc đặt ưu tiên nào lên trên. Khi chúng ta đã chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô thì phải tập trung kiềm chế bằng được lạm phát, thắt chặt tín dụng lại.
Khi ưu tiên tăng trưởng thì nới lỏng chính sách tiền tệ, nới tín dụng. Đây là hai ưu tiên với những chỉ đạo khác nhau nhưng lại nhất quán trong chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đồng bộ sẽ dẫn tới chuệch choạc, lúng túng.
Ví dụ, mới đây ngành ngân hàng muốn hạ lãi suất xuống nhưng ngành tài chính lại muốn bán trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao. Sự “đá nhau” như vậy sẽ khó cho điều hành.
USD xuống giá trên thế giới nhưng lại tăng mạnh ở VN. Ảnh: TẤN THẠNH
. Theo ông, việc giữ nguyên tỉ giá và thả nổi lãi suất thỏa thuận sẽ tác động thế nào?
- Sẽ có hai tác động. Trước hết là tác động tâm lý sẽ khiến người ta an tâm là đã có Nhà nước can thiệp, bán ngoại tệ ra để ổn định tỉ giá từ nay đến hết Tết Nguyên đán, dẫn tới hạn chế việc găm giữ ngoại tệ. Song việc bỏ chủ trương giữ và giảm lãi suất thì lãi suất sẽ tăng lên.
Phải kiên quyết quản lý giá
. Việc thả lãi suất có làm khó cho việc thực hiện mục tiêu giữ CPI năm nay ở mức khoảng 8%?
- Việc thả nổi này có thể khiến CPI năm nay hơn 8% nhưng còn phụ thuộc không ít vào việc điều hành, quản lý. Nếu chúng ta kiên quyết quản lý giá, không điều chỉnh một số mặt hàng cơ bản thiết yếu thì lạm phát có thể dưới một con số. Nhưng trong bối cảnh sản xuất cuối năm, sắp đến Tết Nguyên đán, việc thả lãi suất có thể dẫn tới tác động cộng hưởng làm lạm phát cao hơn. |
Các ngân hàng sẽ đua nhau tăng lãi suất thỏa thuận và như vậy rất có thể sẽ hình thành một mặt bằng lãi suất mới. Điều này sẽ đẩy chi phí, giá thành, CPI... lên.
. Là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, ông dự báo thế nào về lãi suất thời gian tới?
- Lãi suất sẽ lên sát với cung cầu hiện nay. Lãi suất thực tế thời gian qua là 14%-15%/năm nhưng chúng ta đã kéo xuống 11%. Thời gian tới, lãi suất thỏa thuận có thể lên tới mức lãi suất thực tế trước đây.
. Lãi suất như vậy ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng và lạm phát?
- Sẽ ảnh hưởng ngay tới lạm phát, làm CPI tăng. Lạm phát tăng cũng sẽ khiến sản xuất gặp khó khăn hơn vì lãi suất cao, giá đầu vào tăng làm khả năng sinh lời giảm xuống. Doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, việc làm khó khăn hơn... sẽ tác động tới tăng trưởng.
. Ông đánh giá thế nào về tác động hai mặt của việc không điều chỉnh tỉ giá và thả lãi suất?
- Mặt lợi là làm cho người dân yên tâm về sự ổn định tương đối dài hơi bởi có sự can thiệp của Nhà nước. Mặt trái là có thể hình thành một mặt bằng lãi suất mới, làm gia tăng chi phí, giá thành sản xuất. Tác động có thể xấu nếu quản lý, điều hành không quyết liệt.
Bình luận (0)