Ngày 5-11, ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết UBND tỉnh Ninh Thuận đang đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch, cho phép một đơn vị tư nhân xây dựng đường truyền tải 500 KV để giải tỏa công suất điện cho các nhà máy điện mặt trời (ĐMT), điện gió trên địa bàn tỉnh.
Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 30 dự án ĐMT với tổng công suất 1.817 MW, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỉ đồng và 11 dự án điện gió tổng công suất hơn 630 MW, tổng vốn đầu tư hơn 22.100 tỉ đồng được Thủ tướng và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực và cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Nhiều nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận đang phải giảm phát điện do thiếu hệ thống truyền tải
Đến nay, Ninh Thuận đã vận hành được 18 dự án với tổng công suất đưa vào khai thác là 1.180 MW (15 dự án ĐMT với công suất 1.063 MW và 3 dự án điện gió với công suất 117 MW). Tuy nhiên, có đến 10/18 dự án trên đang phải giảm phát điện đến 60% công suất để bảo đảm ổn định hệ thống truyền tải. Tính đến ngày 30-6-2019, lượng điện thực hiện giảm phát lên đến 23,2 triệu KW với tổng thiệt hại khoảng 49,5 tỉ đồng. Dự kiến, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu KW, tương đương mức thiệt hại 479,4 tỉ đồng. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của các dự án, gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư lẫn kinh tế - xã hội của địa phương vì 10 dự án giảm phát đầu tư đến 10.504 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Khánh Duy, Phó Giám đốc Nhà máy ĐMT Phước Hữu, nhà máy có công suất 50 MW cung cấp vào hệ thống điện quốc gia khoảng 106 triệu KWh/năm, tương đương khoảng 58.800 hộ dân sử dụng. Hiện nhà máy phải giảm phát đến 60% công suất trong khung thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ hằng ngày. "Với công suất hiện tại chỉ đủ để trả lãi ngân hàng, chưa hoàn được vốn. Tình hình rất khó khăn" - ông Nguyễn Khánh Duy nói.
Giải bài toán đồng bộ hóa hạ tầng - truyền tải
Mới đây, trong đợt làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng hầu hết dự án đầu tư công trình lưới điện 110 KV, 220 KV theo quy hoạch đều triển khai chậm tiến độ. Bên cạnh đó, danh mục lưới điện truyền tải được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến sau năm 2020 mới triển khai. Việc giải phóng toàn công suất 2.000 MW của các dự án ĐMT, điện gió đến hết năm 2020 tại Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn do thời gian qua, đầu tư hạ tầng, truyền tải chưa đồng bộ.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét đồng ý chủ trương đầu tư dự án nhà máy ĐMT kết hợp hạ tầng truyền tải điện trạm biến áp 500 KV Thuận Nam và đường dây đấu nối do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đề xuất, đồng thời chỉ đạo đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành công trình nâng cấp lưới điện bảo đảm giải tỏa công suất điện trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận thời gian qua, do phát triển chưa đồng bộ nên Ninh Thuận đã gặp khó khăn trong việc giải tỏa công suất điện. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ luôn ủng hộ các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện lắp đặt trạm biến áp và đường dây truyền tải; yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với nhà đầu tư đề xuất các dự án đầu tư nguồn điện gắn với đầu tư đường truyền tải, bảo đảm nguyên tắc nhà nước quản lý, vận hành.
Theo ông Phạm Đăng Thành, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 KV và đường dây đấu nối công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nhằm giải phóng hết công suất của các nhà máy điện gió và ĐMT tại tỉnh Ninh Thuận. Về đề xuất này, nhiều nhà đầu tư ĐMT và điện gió tại Ninh Thuận cho biết rất ủng hộ. "Cần làm rõ trong tổng công suất đầu tư thì nhà đầu tư được dùng bao nhiêu? Bao nhiêu % là công suất chia sẻ cho các nhà máy khác? Phương án huy động, chia sẻ vốn đầu tư với các nhà máy khác được tính toán như thế nào để bảo đảm việc đầu tư cũng như chia sẻ công suất được công bằng, hiệu quả" - một đại diện nhà máy đặt vấn đề.
Đưa trạm 220 KV Tháp Chàm vào khai thác
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đưa vào hoạt động thêm 10 công trình lưới điện 220 KV - 500 KV và 7 công trình 110 KV. Đến ngày 30-10, EVN đã đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp AT2, trạm biến áp 220 KV Tháp Chàm, ở huyện Thuận Bắc, qua đó tăng gấp đôi công suất, giúp giải phóng được 250 MW của các dự án năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận. Theo kế hoạch, vào giữa tháng 11 này, EVN sẽ tiếp tục đưa vào vận hành máy biến áp AT1 tại trạm biến áp 220 KV Tháp Chàm với công suất tương tự máy biến áp AT2.
Bình luận (0)