Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, cơ quan này nêu rõ quan điểm chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam và UBND một số địa phương.
Bộ Tài chính không đồng tình việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Tài chính nhấn mạnh, trước đây, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP được thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới còn nghiêm trọng.
Hiện nay, theo Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ thì tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển.
Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết như ý kiến của Bộ Ngoại giao. Cùng với đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian qua được đánh giá là chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế.
Bộ Tài chính cũng nêu rõ, triển khai thực hiện việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 12-2021 đến hết tháng 5-2022, tổng số thu ngân sách Nhà nước về lệ phí trước bạ đạt 8.727 tỉ đồng.
Như vậy, về mặt chính sách, việc giảm 50% đã tác động giảm thu ngân sách về lệ phí trước bạ tương ứng 8.727 tỉ đồng. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.
Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài việc làm giảm thu ngân sách Nhà nước được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án sau:
Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Về ưu điểm, thực hiện phương án này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỉ đồng.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Ưu điểm khi thực hiện phương án này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; đồng thời sẽ đảm bảo được việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, sẽ làm giảm thu NSNN. Theo thống kê cho thấy, số thu LPTB đối với ô tô chiếm khoảng 70% tổng số thu ngân sách khoảng 15.000 - 16.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)