Chiều 12-7, xe tải nhỏ của siêu thị MM Mega Market An Phú (quận 2) chở khoảng 30 mặt hàng rau củ quả, thực phẩm thiết yếu (gạo, trứng, đường, nước uống…) đến bán lưu động tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Đây là chuyến bán hàng lưu động đầu tiên của nhà bán lẻ này nhằm góp phần cung cấp thêm những điểm mua hàng cho người dân các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Đẩy mạnh kênh bán hàng không chính thức
Cùng ngày, chuyến hàng đầu tiên của Viettel Post cũng ra quân bán hàng. Ngoài 2 đơn vị này, một số doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường, bán lẻ lớn và cả DN logistics cũng đã có kế hoạch, khẩn trương liên hệ với các địa phương trong từng quận, huyện, TP Thủ Đức để thực hiện bán hàng lưu động. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết việc triển khai các điểm bán hàng lưu động tại thời điểm này nhằm góp phần tạo thêm kênh mua sắm cho người dân, mặt khác có thể phần nào "chia lửa" với các siêu thị, cửa hàng… trong lúc nhiều chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động. "Phường/xã ở quận/huyện nào có nhu cầu đưa hàng về bán lưu động sẽ thông báo với Sở Công Thương, sở sẽ tiếp nhận và điều phối các DN đưa hàng xuống" - ông Vũ nói.
Kênh bán hàng lưu động ra đời là một nỗ lực của các bên nhằm bổ sung thêm địa chỉ mua hàng hóa thiết yếu cho người dân trong lúc cả TP đang hạn chế việc di chuyển, giúp người dân có thể mua sắm hàng hóa tiêu dùng hằng ngày mà không phải tập trung vào các điểm bán chính thức.
Người dân xếp hàng vào mua sắm tại siêu thị Big C Ảnh: HUẾ XUÂN
Cũng với mục đích này, thời gian qua, các nhóm mua bán nội bộ trong các chung cư đã phát huy hiệu quả. Chị Phương Quỳnh (ngụ chung cư B., phường An Khánh, TP Thủ Đức) cho biết từ khi dịch bệnh đến giờ chưa từng đi chợ hay siêu thị vì đã có chỗ mua hàng giao tận căn hộ mà người bán cũng là cư dân trong chung cư. "Tất cả mọi thứ rau quả, thịt, cá, trái cây đều có bán, giá cả rõ ràng. Không chỉ một mà nhiều nhà cùng bán nên giá cả cạnh tranh, không tăng giá nóng như bên ngoài. Thường họ sẽ thông báo bao giờ hàng về, mình đặt hàng, nhận hàng rồi thanh toán hoặc chuyển khoản, rất tiện lợi" - chị Phương Quỳnh cho hay.
Tại khu vực quận Bình Thạnh, một số cửa hàng tạp hóa đóng cửa nhưng một số chủ cửa hàng có để lại số điện thoại bên ngoài để khách cần có thể đặt mua và được giao tận nhà. Chị Mai Nhung (ngụ đường Vũ Huy Tấn, quận Bình Thạnh) cho biết do bận công việc nên chưa kịp mua một số đồ dùng cho gia đình nhưng đi ngang mấy cửa hàng tiện lợi đều thấy cảnh người xếp hàng quá đông nên hơi ngại. "Nhìn thấy tiệm tạp hóa quen có để lại số điện thoại, tôi đặt mua: dầu ăn, đường, bột ngọt, kem đánh răng,… Lát sau, họ mang đến đầu ngõ, giá như ngày thường. Cũng có tiệm tạp hóa gần nhà tuy đóng cửa nhưng mình muốn mua hành tỏi, trứng gà - vịt, họ đều có bán nhưng giá cao hơn trước đây vì hàng khan hiếm" - chị Nhung kể.
Trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, một số cửa hàng bán sữa bột cho trẻ em còn mở cửa có bán thêm một số đồ khô như mì gói, bánh kẹo, sữa nước,… thuận lợi cho người mua. Các cửa hàng đều giăng dây để giữ khoảng cách với khách hàng.
Nhân rộng mô hình phát phiếu mua hàng
Ngày 12-7, qua hơn 3 ngày TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại nhiều khu vực, tình trạng quá tải đã được cải thiện. Dù vậy, tại một số địa bàn vẫn tiếp tục tình trạng người dân đổ dồn về các siêu thị, cửa hàng xếp hàng vào mua sắm làm xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ. Chị Lê Phương (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chị đã mất cả buổi sáng đi lòng vòng 1 chợ, 5 cửa hàng tiện lợi để tìm mua một ít rau xanh gửi vào khu phong tỏa. "Đến chỗ nào cũng phải xếp hàng, khai báo y tế nhưng vào trong thì quầy kệ loe ngoe vài món đồ, không còn trứng, thịt, trái cây, hành tỏi…" - chị bức xúc.
Giải thích về tình trạng này, Sở Công Thương TP cho biết toàn TP chỉ còn 68 chợ truyền thống hoạt động; 169 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) và 4 siêu thị phải tạm đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch. "Trên tổng thể, TP bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho người dân. Sở Công Thương đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa. Các siêu thị có kho dự trữ và nguồn hàng dự phòng, bảo đảm liên tục cung ứng lên quầy kệ. Sở cũng đã vận động các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư, đặc biệt là cửa hàng tiện lợi, bổ sung thêm hàng thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, các cửa hàng này có diện tích nhỏ, không đủ quầy kệ nên khi người tiêu dùng tập trung mua sắm đông, cửa hàng không kịp cung ứng dẫn đến có giai đoạn thiếu hàng" - Sở Công Thương diễn giải.
Các siêu thị cho hay lượng hàng đưa về các điểm bán trong ngày 12-7 tương đương, có nơi nhiều hơn so với hôm trước, giá cả hầu hết mặt hàng rau xanh, thịt, trứng… bán tại siêu thị đang rẻ hơn so với ngoài thị trường; cộng với nhiều chợ, điểm bán lề đường, trước cửa nhà dân đã ngưng hoạt động nên khách hàng hầu như chỉ có địa chỉ mua sắm trực tiếp là siêu thị, cửa hàng. Để hạn chế tình trạng quá nhiều người tập trung tại điểm bán cùng một thời điểm, các siêu thị đã tăng thời gian mở cửa đầu và cuối ngày; một số siêu thị, cửa hàng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương phát phiếu đi siêu thị/cửa hàng theo ngày chẵn/lẻ, phát phiếu hẹn giờ mua sắm cho khách, thậm chí có nơi quy định thời gian mua sắm cho từng khách hàng. "Cao điểm buổi sáng, cùng lúc có hơn 100 người chờ bên ngoài, lực lượng bảo vệ phải chặn ngay từ bãi xe, yêu cầu khách hàng quay về, đợi 2-3 giờ nữa hoặc buổi chiều đến mua sau" - đại diện một siêu thị lớn tại quận 1 chia sẻ cách làm.
Trong lúc hệ thống phân phối truyền thống chưa thể phục hồi, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, khách hàng càng đổ về nhiều thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 càng cao. "Trong ngày 12-7, đã có thêm 2 điểm mua sắm lớn là Co.opXtra Tân Phong (quận 7) và siêu thị Satra Phạm Hùng (quận 8) đóng cửa vì có ca F0. Để giảm áp lực cho cả bên bán lẫn bên mua, giải pháp tốt nhất là tổ chức cho khoa học và hạn chế khách đi mua sắm" - đại diện một DN bán lẻ nêu. Theo vị này, TP cần nghiên cứu thực hiệp đồng bộ việc phát phiếu đi siêu thị/cửa hàng đến từng hộ dân; tùy khu vực mà chính quyền địa phương tính toán phân bổ hợp lý. "Có thể nhân rộng cách làm của quận 3: quy định người dân từng phường mua sắm ở địa chỉ nào, ngày nào và kiểm soát việc thực hiện. Các hộ gia đình sẽ luân phiên đi mua thực phẩm, hàng thiết yếu đủ cho nhu cầu, tránh được tâm lý đám đông đổ xô đi xếp hàng gây quá tải, ùn ứ mà không mua được hàng. Điều kiện là TP phải kiểm soát được giá cả hàng hóa thiết yếu; giữ giá rau xanh, thịt, cá giữa các điểm bán tương đương nhau, không có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán của siêu thị này với cửa hàng, siêu thị thuộc hệ thống khác" - vị này đề xuất.
Cần khắc phục hạn chế trong chuyển đổi số
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại và Công nghiệp - Bộ Công Thương, nhìn nhận việc đóng cửa một số chợ đầu mối tại TP HCM tất yếu dồn gánh nặng lên hệ thống siêu thị. Hậu quả là dù cơ quan quản lý đã cố gắng bảo đảm nguồn cung đầy đủ, tức là đưa được hàng về TP song phân phối đến tay người tiêu dùng lại trục trặc do việc phong tỏa, giãn cách làm chậm tốc độ cung ứng hàng, nguồn lực về con người và công nghệ của các hệ thống siêu thị chưa đủ để xử lý đơn hàng lớn và tăng chóng mặt.
Theo ông Phương, về lâu dài, để nâng cao năng lực của hệ thống phân phối nhằm chuẩn bị sẵn tinh thần sống chung với Covid-19 hay để ứng phó trong các tình huống bất thường khác, ngoài việc tiếp tục đầu tư, mở rộng về mặt số lượng siêu thị thì còn đặc biệt lưu ý đến vấn đề chuyển đổi số. "Một trong những nguyên nhân khiến không chỉ mua hàng trực tiếp tại siêu thị gặp khó khăn mà đặt hàng online cũng không suôn sẻ, rất chậm giao hàng, là vì nhiều hệ thống siêu thị chưa kịp đầu tư đủ về mặt công nghệ để phục vụ việc bán hàng trên nền tảng số. Chuyển đổi số hiện nay trong lĩnh vực phân phối đòi hỏi đồng bộ từ khâu tiếp cận, kết nối với bên sản xuất đến logistics và giao nhận. Xem đợt dịch này là cơ hội để khắc phục được điểm này, DN phân phối có thể sớm hoàn thành và thu được hiệu quả từ mục tiêu phát triển thương mại đa kênh vốn được nhắc đến từ mấy năm nay nhưng hiệu quả mờ nhạt" - ông Phương góp ý.
Th.Dương
Bình luận (0)