Tại cuộc họp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa qua, 16 ngân hàng (NH) thương mại hội viên đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Bớt lợi nhuận để giảm lãi vay
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, cho biết đợt giảm lãi vay lần này áp dụng đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm, tập trung vào những DN đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Lãnh đạo VNBA thừa nhận việc giảm lãi suất hiện nay là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ của ngành NH đối với khó khăn của DN. Vấn đề sắp tới cần làm rõ là giảm thế nào, thời gian bao lâu, số dư nợ được giảm đối với các khoản vay hiện hữu bằng tiền đồng ra sao...? Song song đó, các NH vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất bởi các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành NH sẽ có độ trễ rất lớn khi nợ xấu trong tương lai tăng lên.
Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng thương mại giảm lãi vay thực.Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên HĐTV NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay NH đã họp và thống nhất giảm lãi suất với mức giảm từ 0,5-2,5 điểm phần trăm. Tính trung bình, lãi suất cho vay của NH sẽ giảm khoảng 1 điểm phần trăm.
Trong 16 NH đồng thuận giảm lãi suất, một số NH đã niêm yết cho biết phải xin ý kiến cổ đông do giải pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Đại diện NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tính toán với tổng dư nợ tín dụng khoảng 191.000 tỉ đồng, nếu giảm lãi suất bình quân 1 điểm %/năm, NH sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỉ đồng. Tương tự, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cũng nêu rõ với tổng dư nợ của hệ thống hiện khoảng 350.000 tỉ đồng, nếu lãi suất giảm 1 điểm phần trăm trong 5-6 tháng, lợi nhuận của NH giảm trên 1.000 tỉ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch. "Giảm lãi suất bao nhiêu phần trăm là hợp lý? Với mức giảm lợi nhuận lớn như vậy, liệu cổ đông có chấp nhận không?" - ông Phan Đình Tuệ nêu vấn đề song cũng cho hay NH sẽ tiếp tục giảm lãi suất để chia sẻ với DN thực sự khó khăn.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến chiều 13-7, một số NH vẫn đang chờ thông tin từ ban lãnh đạo về mức giảm lãi suất cụ thể áp dụng cho DN trong lần hỗ trợ giảm lãi vay này.
Mong NH nói là làm
Nhiều DN cho hay đang theo dõi và mong chờ thông tin từ việc giảm lãi suất của các NH thương mại.
Phó giám đốc một công ty trong lĩnh vực xây dựng công trình ở TP HCM cho biết DN đang vay vốn tại một NH cổ phần với mức lãi suất 9%/năm từ cuối năm ngoái đến nay. DN đã nhiều lần kiến nghị giảm lãi suất khoản vay hiện hữu nhưng không thấy NH phản hồi. Do đó, DN này mong muốn các NH đừng hô hào "luôn đồng hành cùng DN" mà cần hành động thực tế là giảm lãi suất trong giai đoạn quá khó khăn này. "Bao nhiêu chi phí dồn hết lên chủ DN, doanh thu không có nhưng lương nhân viên và lãi ngân hàng vẫn phải trả. Nhiều NH lại đưa ra chính sách giảm lãi suất cho vay với khách hàng DN mới trong khi duy trì mức lãi suất cũ đối với khách hàng lâu năm. Từ đợt khuyến khích giảm lãi vay vào năm ngoái đến giờ, DN tôi vẫn chưa được hỗ trợ giảm lãi suất" - vị phó giám đốc công ty này băn khoăn và cho biết có thể sẽ phải thanh lý hợp đồng để chuyển sang làm việc với NH khác nếu như tiếp tục không nhận được hỗ trợ từ NH đối tác hiện nay.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, ông Nguyễn Quốc Kỳ, động thái của VNBA và các NH hội viên trong đồng thuận giảm lãi vay thời điểm này là tín hiệu tích cực với DN. Nhưng cần chính sách rõ ràng để những cam kết của NH thương mại là làm thật, DN được hỗ trợ thực chất. "Nếu NH thương mại hứa rồi không thực hiện thì DN làm thế nào? Nhóm DN du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch, rất cần sự chung tay, chia sẻ của đối tác, trong đó có NH, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính. Để sự hỗ trợ của NH hiệu quả, tôi kiến nghị cơ quan quản lý phân loại những lĩnh vực đang gặp khó nhất, cần sự hỗ trợ kịp thời nhất để "cứu" trước; quy định tỉ lệ giảm lãi suất cụ thể để NH triển khai" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá cao việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất để tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với DN. Tuy nhiên, phải bảo đảm vừa hỗ trợ khách hàng vừa giữ được an toàn năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn lớn...
"Việc hỗ trợ giảm lãi suất cần bảo đảm nguyên tắc không cào bằng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng thực sự khó khăn, đúng lĩnh vực và địa bàn. Bởi vì mức độ tác động của dịch bệnh rất khác nhau và khả năng phục hồi của các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cũng rất khác nhau... Đồng thời, mức giảm bao nhiêu tùy thuộc vào năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng" - TS Cấn Văn Lực kiến nghị.
Đề xuất nới hạn mức tăng trưởng tín dụng
16 NH thương mại là hội viên VNBA đồng thuận giảm lãi suất gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank.
Để có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt, các NH đề nghị NH Nhà nước cấp thêm room (hạn mức) tín dụng trong những tháng cuối năm.
Bình luận (0)