Tỉnh Bình Thuận cho biết diện tích thanh long ở tỉnh này đã có khoảng 22.000 ha, trong khi quy hoạch đến cuối năm 2015 chỉ 15.000 ha và trên 75% sản lượng thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Kiểm tra chặt, phạt mạnh tay
Nhiều nông dân ở Bình Thuận cho biết nếu giá ổn định từ 15.000-17.000 đồng/kg thì có thể lãi ròng không dưới 300 triệu đồng/ha/năm. Theo bà Cao Thị Kim, một chủ vựa thanh long ở Bình Thuận, sau khi thu mua thanh long, tư thương chuyển đến tận biên giới Việt - Trung để bán cho đầu nậu Trung Quốc. Việc mua bán không có hợp đồng, ràng buộc gì.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết đầu nậu Trung Quốc ít xuất hiện mà chỉ thông qua “cò” trong tỉnh để thu gom thanh long. Họ điều nghiên rất kỹ, nếu thanh long được mùa thì họ ép giá, ngược lại có thể tăng giá nhưng chỉ chút ít, không tương xứng với nguồn cung.
Nhiều chủ vựa thanh long nói từ hơn một năm qua, nhiều thương lái Trung Quốc nhập cảnh dưới mác khách du lịch, tiếp cận các chủ vựa để làm “cò” thu mua thanh long cho họ. “Họ rất ma mãnh. Có hôm sáng sớm họ ra giá thu mua 15.000 đồng/kg, không hạn chế số lượng.
Khi thấy tập kết thanh long về nhiều thì giở quẻ, chê hàng xấu đủ kiểu để hạ giá còn 12.000-13.000 đồng/kg. Thương lái nhiều người lỗ nặng vì lỡ mua” - anh Hùng, một người chuyên thu mua thanh long cho thương lái Trung Quốc, ngậm ngùi.
Để chấn chỉnh tình trạng tư thương Trung Quốc thao túng thị trường thanh long, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 23 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp, kinh doanh trái phép. Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết ngoài việc kêu gọi nông dân và tư thương nội địa không hợp tác với những người buôn bán bất hợp pháp, tỉnh Bình Thuận còn giao công an tỉnh kiểm tra và xử phạt nghiêm những thương lái nước ngoài đến tạm trú nhưng có hành vi gian lận.
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có khoảng 7.500 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn để xuất sang các nước châu Âu. “Chúng tôi đang xúc tiến kết nối lại các thị trường đã ngưng trệ do hàng rào kỹ thuật ngăn cản mấy năm qua. Thậm chí, dù thanh long xuất đi Trung Quốc là thị trường lớn nhưng tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường xuất chính ngạch để hạn chế rủi ro và có lợi cho nông dân vì giá cả sẽ ổn định” - ông Cảnh khẳng định.
Cảnh giác không thừa
Theo giới thương lái chuyên thu mua hồ tiêu tại Gia Lai, cách đây khoảng 1tháng, thương lái Trung Quốc thường xuyên qua đặt hàng thu mua hồ tiêu với giá cao hơn so với giá thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg nhưng gần đây không thấy quay lại. Trước đó, không ít thương lái thuê đất ở tỉnh trồng tiêu rồi sau đó “biến mất”.
Chị L. - một thương lái chuyên thu mua tiêu tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - cho biết: “Họ đến thu mua giá cao và đi rất nhanh, chỉ đưa ô tô sang mua đầy xe rồi đi ngay. Tôi bán cho họ mấy lần rồi nhưng khi họ đặt cọc để mua với số lượng lớn, chỉ cần đưa xe sang là chở đi luôn cho khỏi mất công gom hàng thì tôi không đồng ý. Đã nghe nói nhiều về thủ đoạn của thương lái Trung Quốc nên tôi cảnh giác”.
Sau thời gian có lãi nhờ thu mua hạt mây rừng bán cho thương lái Trung Quốc giá cao, hiện nhiều người tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đang ngậm “quả đắng” vì ôm hàng tấn hạt mây rừng không bán được. Đây không phải là lần đầu dân địa phương mắc lỡm thương lái Trung Quốc.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:
Cần có kênh thu mua ổn định
Thời gian qua, ở ĐBSCL vẫn thường xảy ra tình trạng thương lái nước ngoài thu gom nông sản, thao túng, gom hàng, làm ăn chụp giựt... Thực trạng này cần nhìn nhận trên cả 2 mặt: những tác động tiêu cực cần hạn chế, ngăn chặn hoặc kiên quyết xử lý vi phạm; những tác động tích cực trong việc góp phần tiêu thụ hàng hóa. Thương nhân nước ngoài nào được phép hoạt động thương mại theo quy định cần được quản lý chặt để khai thác mặt tích cực từ họ. Cơ quan quản lý cần cung cấp đầy đủ thông tin về họ cho dân biết để giao dịch, tránh rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho họ làm ăn chân chính, vừa giải quyết đầu ra cho nông sản vừa bảo vệ lợi ích nông dân.
Thực trạng trên cho thấy nông dân vẫn đang thiếu một kênh thu mua nông sản chính thức và ổn định.
C.Tuấn ghi
Bình luận (0)