xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảm thuế phí, kích cầu thị trường

TÔ HÀ

Dãn thuế cho doanh nghiệp, chưa thu phí hạn chế xe cá nhân, giảm mạnh phí trước bạ ô tô và giải cứu bất động sản… là những giải pháp được Chính phủ công bố nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Ngày 25-12 tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

img

Doanh nghiệp bất động sản là một trong những đối tượng được giải cứu với nhiều cơ chế ưu đãi. Ảnh: TẤN THẠNH

9 nhóm giải pháp

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp giải quyết hàng tồn kho và giảm mạnh thuế, phí giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, sẽ không ban hành chính sách thu thuế, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, giảm phí trước bạ  đối với ô tô dưới 10 chỗ. Xe đăng ký lần đầu có thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung. Đối với ô tô đăng ký lần thứ hai trở đi, mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trong cả nước.

Đối với DN, được gia hạn 6 tháng thuế thu nhập DN và thuế GTGT, được hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp từ đầu năm 2012 đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn.

Với chính sách giảm thuế, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép giảm 50% tiền thuê đất của năm 2013-2014 cho DN nếu số tiền thuê đất phải nộp tăng quá 2 lần so với năm 2010. DN nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 20% từ ngày 1-7-2013, sớm hơn 6 tháng so với lộ trình.

Là đối tượng được ưu tiên giải cứu, DN kinh doanh bất động sản cũng được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi. DN có thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10%; được giảm tiếp 50% thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội. Nếu bất động sản đầu tư, kinh doanh có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được giảm 30% thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến 30-6-2014.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước dành từ 20.000 - 40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước để phục vụ cho vay đối với người có thu nhập thấp, công chức, viên chức... Đối với giải pháp về vốn, tín dụng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết sẽ hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát.
img
Bên cạnh việc không ban hành chính sách thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện,
Chính phủ còn giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi. Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Công ty Ford Việt Nam. Ảnh: TẤN THẠNH

Đừng để “chính sách” nằm trên bàn giấy!

Vấn đề khiến nhiều địa phương băn khoăn là có chính sách tốt nhưng chưa chắc nền kinh tế đã được giải cứu nếu khâu tổ chức thực hiện không kịp thời. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, góp ý: “Các kiến nghị với Chính phủ được giải quyết rất nhanh nhưng với bộ vẫn còn việc này việc kia chưa thông suốt. Đề nghị các bộ phải có quyết sách nhanh để tháo gỡ. Đừng để “chính sách” nằm trên bàn giấy!”.

Câu chuyện bi đát của con cá tra được đại diện tỉnh An Giang nêu thành ví dụ điển hình của việc có chính sách tốt nhưng triển khai thực hiện không hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh này cho biết từ năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp xuống làm việc với ĐBSCL, yêu cầu thành lập hiệp hội và xây dựng hành lang pháp lý cho xuất khẩu cá tra nhưng đến nay cả 2 việc này đều chưa xong.
Do đó, ngành sản xuất cá tra luôn trong tình trạng phát triển không bền vững, tự phá nhau, mỗi lần đi hội chợ là một lần phá giá. Ngành cá tra đang đứng trước nguy cơ phá sản vì hiện nay đã tồn kho 26.000 tấn với giá trị hàng ngàn tỉ đồng, không trả được nợ ngân hàng.
Về hoạt động mua tạm trữ lúa gạo, đại diện tỉnh Kiên Giang tỏ ra bức xúc khi đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo. Giá thấp mấy, nông dân cũng phải bán lúa để trả nợ ngân hàng, khi bán gần hết mới có cơ chế thu mua tạm trữ.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam không những không hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm mà còn gây khó khăn. Từ thực tế này, tỉnh An Giang đề nghị Bộ Công Thương phải có cơ chế điều hành linh hoạt cho sản xuất, xuất khẩu lương thực, đặc biệt là trong điều kiện nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường đầu năm 2013 xuống thấp.

Trước bức xúc của DN và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ Công Thương ngay sau hội nghị này phải có biện pháp thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân, không để giá xuống thấp hơn.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tính toán GDP cả nước năm 2013 phải tăng khoảng 5,5%, GDP của TPHCM tăng khoảng 10% mới đạt mục tiêu đề ra. “Cứ nói phải có giải pháp đột phá nhưng không giải quyết được, không kéo GDP tăng thì không thể cân đối nguồn lực” - ông Quân nói.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng bày tỏ lo lắng vì năm ngoái, Chính phủ có hàng loạt nghị quyết kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và có nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng không được triển khai tốt. “Phần lớn giải pháp điều hành đều mang tính tình thế, bị động, đối phó với tình hình” - ông Quân nhận định.

Sáng nay (26-12), Chính phủ tiếp tục thảo luận và thông qua nghị quyết về điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và nghị quyết chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Hai thách thức cho nền kinh tế

Tại hội thảo “Hoạt động ngân hàng Việt Nam - Bức tranh toàn cảnh 2012 và khuyến nghị chính sách 2013” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 25-12, các chuyên gia đều nhận định xử lý nợ xấu và kiềm chế lạm phát là thách thức “kép” cho nền kinh tế Việt Nam năm 2013. Đề xuất giải pháp xử lý nợ xấu, ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho rằng cần phải phân biệt bản chất các loại nợ xấu khác nhau để có những biện pháp xử lý hợp lý, trong đó, nợ xấu khó xử lý nhất là nợ đọng từ vốn ngân sách Nhà nước.

Về tình hình lạm phát, theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề kiềm chế lạm phát và tăng thu ngân sách là bài toán khó giải trong năm 2013. Để tăng thu ngân sách chỉ có một phương án là tận thu bằng các loại thuế, phí. Nếu tận thu, chúng ta có thể tăng thu ngân sách nhưng sẽ đẩy lạm phát lên 2 con số và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ph.Nhung
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo