Cát Lái là cảng lớn của TP HCM, lại nằm vị trí trung tâm nên nhiều doanh nghiệp chọn để xuất, nhập khẩu hàng đi các nơi. Tuy nhiên, nơi đây đang xảy ra tình trạng hàng hóa của doanh nghiệp bị ùn ứ do quá tải.
Nhiều nguyên nhân
Ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Điều độ cảng Cát Lái, cho biết nguyên nhân làm ứ đọng hàng là do lượng hàng hóa xuất nhập tại cảng thời gian gần đây tăng nhiều. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2014, lượng container thông qua các cảng biển TP HCM tăng 13%, riêng cảng Cát Lái tăng 12% cùng với 60% lượng container thông qua cảng Cái Mép phải chuyển về Cát Lái để làm thủ tục càng làm cho tình trạng quá tải gia tăng.
Ngoài ra, do việc siết chặt kiểm tra tải trọng phương tiện trên toàn quốc từ đầu tháng 4 của Bộ Giao thông Vận tải, đồng nghĩa với việc các nhà xe phải gia tăng lượng xe để chở hàng, việc này đòi hỏi các nhà xe phải có thời gian mua sắm thêm phương tiện dẫn đến hàng hóa bị ùn ứ lại. Chưa kể, số lượng tàu đến cảng trễ so với lịch đăng ký khá nhiều do ảnh hưởng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng nước ngoài như Tanjung pelepas - Malaysia, Manila - Philippines, Hongkong, Thượng Hải, Singapore… kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay.
Một nguyên nhân nữa là do việc sửa chữa tuyến đường dẫn lên cầu Phú Mỹ đã gây khó khăn cho xe ra vào khu vực cảng. Trong khi đó, lượng container rỗng tồn ở cảng Cát Lái khá nhiều nên chiếm hết mặt bằng. “Trước đây, hàng hóa của doanh nghiệp từ cảng Cái Mép, thay vì cảng đến là Cát Lái sẽ chuyển sang Tân Cảng nhưng nay, Tân Cảng đã di dời nên lượng hàng không đổ về đây được” - ông Bùi Lê Hùng, Trưởng Phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP HCM, giải thích thêm.
Chia lửa
“Để giải tỏa lượng hàng ở cảng Cái Lái, Cục Hải quan TP HCM sẽ triển khai ngay 2 hướng: Những tàu có cảng đến là Cát Lái sẽ đưa hàng về các cảng khác thuộc thành phố để chia lửa và giảm áp lực cho cảng này; những container đưa về cảng Cái Mép sẽ chuyển lên một số cảng tại TP HCM - phương án này phải báo cáo lên Tổng cục Hải quan bởi có liên quan đến Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu” - ông Bùi Lê Hùng cho biết.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị này cũng đã làm việc với lãnh đạo các cảng ở Vũng Tàu và triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có phương án chuyển một số chuyến tàu sang cập các cảng khác trong khu vực để xuống hàng nhập; chuyển hết container rỗng ra khu vực ngoài cảng, tận dụng tối đa khoảng trống để hạ container hàng; kết hợp nhập, xuất tàu cùng lúc trong các thời điểm bãi quá tải nặng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng một loạt chính sách mới từ ngày 15-7 và 1-8 tới hy vọng giảm tải cho cảng Cát Lái. Ngoài ra, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đang triển khai đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi ở cảng Cát Lái, với tổng kinh phí khoảng 580 tỉ đồng. Đồng thời đẩy nhanh thi công và mua sẵn thiết bị để đưa cảng Hiệp Phước, kết hợp đưa cảng Phú Hữu - Bến Nghé vào khai thác.
“Tình trạng ứ đọng hàng tại cảng Cát Lái trong vài ngày qua đã có cải thiện. Hiện năng suất giải phóng tàu đã ổn định, xấp xỉ 60 container/giờ/tàu” - ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nói.
Không phải do thông quan điện tử!
Lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM khẳng định nguyên nhân hàng hóa bị ứ đọng tại cảng Cát Lái hoàn toàn không phải do quá trình làm thủ tục hải quan, cụ thể là việc thực hiện chương trình thông quan điện tử Vnaccs/Vciss, áp dụng từ ngày 9-6.
Ông Phan Minh Lê, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (cảng Cát Lái), dẫn chứng: Trong thời gian chưa triển khai chương trình Vnaccs/Vciss, mỗi ngày hải quan làm thủ tục thông quan trung bình 1.012 tờ khai. Từ sau ngày 9-6 đến 21-7, số lượng tờ khai đã tăng lên 20%, cụ thể là 1.218 tờ khai/ngày, trong đó 748 tờ khai nhập và 468 tờ khai xuất. Điều này chứng tỏ nguyên nhân ứ đọng hàng tại cảng không phải do thủ tục hải quan điện tử.
“Tuy nhiên, dù đã áp dụng thông quan điện tử, các doanh nghiệp luồng xanh không phải tiếp cận nhân viên hải quan nhiều. Nhưng do các bộ phận thực hiện chưa đồng bộ, cụ thể là giữa đơn vị thu thuế; doanh nghiệp phải xác nhận, đóng dấu của hải quan để trình các cơ quan khác như quản lý thị trường, thú y, cảnh sát giao thông… Do đó, cần phải có thời gian, khi các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ thì việc thông quan điện tử càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp” - ông Lê nói.
Bình luận (0)