Đây là ý kiến được các ngân hàng (NH) thương mại thông tin tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt - Khai thác giá trị gia tăng thẻ nội địa", do Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, Công ty CP Thanh toán Quốc gia (NAPAS) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 27-12.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, cho biết đến tháng 9-2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; số lượng thẻ lưu hành tăng 7%; thanh toán qua internet và kênh điện thoại di động tăng trưởng ấn tượng với 2 con số. Đặc biệt, hình thức thanh toán mới QR code tăng trưởng 64% với giá trị tăng 128%.
Hiện Việt Nam có khoảng 122 triệu thẻ đang lưu hành, bao gồm thẻ nội địa và quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng thanh toán giao dịch nội địa của NH tăng tương ứng 30% về số lượng và 18% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo ông Lê Anh Dũng, ngành NH đang nỗ lực chuyển đổi toàn bộ thẻ từ nội địa sang thẻ chip để phòng ngừa rủi ro do thẻ từ sử dụng công nghệ thẻ cũ, trong khi thẻ chip được phát triển dựa trên nền tảng mới nên bảo đảm an ninh, an toàn. Đến gần cuối quý III/2021, đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100% từ thẻ từ sang thẻ chip, có 17 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 50%-90%. Chỉ còn khoảng 20 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi sang thẻ chip có tỉ lệ dưới lệ 50%.
Thẻ chip nội địa hạn chế rủi ro gian lận so với thẻ từ. Ảnh: LAM GIANG
"Thẻ chip tích hợp được nhiều thông tin cá nhân, ứng dụng thanh toán không tiếp xúc… tạo hệ sinh thái cho thẻ chip nội địa ở các lĩnh vực như y tế, thu phí không dừng, giao thông công cộng, dịch vụ công, các tiện ích khác, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Chuyển đổi sang thẻ chip cũng phù hợp xu hướng quốc tế, như ở Anh, Úc… đã ứng dụng thẻ chip vào thanh toán không tiếp xúc, rất an toàn, thuận tiện" - ông Lê Anh Dũng nói.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang thẻ chip sẽ giúp Việt Nam tránh trở thành "vùng trũng" tội phạm thẻ quốc tế, đặc biệt là tình trạng gian lận, giả mạo từ thẻ ATM công nghệ cũ. Để khuyến khích sớm chuyển đổi sang thẻ chip, cần quy định chuyển đổi trách nhiệm cụ thể của các NH thương mại.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS, nhận định dù có kế hoạch rõ ràng nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến thời điểm quy định vẫn chưa đạt được mục tiêu theo lộ trình. Vì vậy, cần thiết có quy định chuyển đổi trách nhiệm rủi ro với giao dịch gian lận, giả mạo cho thị trường và từng loại hình giao dịch.
"Quy định này nhằm bảo đảm minh bạch, công bằng cho các đơn vị cũng như người sử dụng khi tiến hành chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip. Hạn chế rủi ro xảy ra, bảo đảm quyền lợi các bên cũng như quyền lợi khách hàng sử dụng thẻ. Trong trường hợp phát sinh giao dịch gian lận, giả mạo, sẽ xác định nhanh chóng trách nhiệm các bên, hạn chế tranh chấp và khắc phục" - ông Nguyễn Quang Minh nói.
Bà Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ - NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) - cho biết Agribank là một trong những NH tiên phong chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. NH đã phát hành thẻ chip từ năm 2019, thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, miễn phí chuyển đổi, đến nay đã chuyển được 6,1 triệu thẻ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp khó khăn, vướng mắc, tỉ lệ chuyển đổi chưa đến 50% do còn phụ thuộc nhu cầu, ý chí, hành vi của người sử dụng thẻ.
"Thẻ chip giúp hạn chế gian lận, giả mạo thẻ. Điển hình là giai đoạn 2020-2021, lượng gian lận, giả mạo giảm nhiều tại các ATM, hầu như ở Agribank không có vụ gian lận, giả mạo nào. Hiện tại, trong xu hướng phát triển ứng dụng di động, thanh toán, giao dịch online thì cần truyền thông cho khách hàng khi giao dịch trên môi trường mạng, hướng dẫn cho khách hàng giao dịch an toàn cũng rất cần thiết" - bà Phan Thanh Hà nói.
2,2 triệu tài khoản ngân hàng mở qua eKYC
Chuyển đổi số của ngành NH đã góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Theo khảo sát của NH Nhà nước, có 95% NH thương mại đã triển khai chiến lược chuyển đổi số, phù hợp với định hướng chung của Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nhiều NH đã đạt được tỉ lệ giao dịch trực tuyến số hơn 90%, giúp ích rất nhiều trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Đáng lưu ý, liên quan đến mở tài khoản định danh trực tuyến (eKYC), chỉ từ tháng 3 đến tháng 10-2021, đã có hơn 2,2 triệu tài khoản được mở bằng phương thức mới này. Và có 23 triệu giao dịch được thực hiện vào tài khoản mở bằng eKYC.
Bình luận (0)