Ngày 20-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết đến nay, các container hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Nepal đã bị mắc kẹt hơn 4 tháng. Trước đó, VPA thông tin có 58 container của 13 doanh nghiệp (DN) trong vụ việc nhưng cập nhật đến nay là 62 container của 15 DN, trị giá lô hàng hơn 3 triệu USD.
Phát sinh nhiều vấn đề
Đại diện VPA cho hay trong số này có 46 container bị kẹt ở Nepal và 16 container bị kẹt ở Ấn Độ (nước trung chuyển). Với sự giúp đỡ của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal), phía Hải quan Nepal đã cấp chứng nhận đủ điều kiện giải phóng hàng (NOC) cho 46 container bị kẹt ở đây. Vấn đề phát sinh là 46 container này muốn tái xuất về Việt Nam phải được trung chuyển qua Ấn Độ. Đại lý làm thủ tục hải quan mà các DN Việt Nam thuê đã làm thủ tục trình lên hải quan biên giới Raxaul (Ấn Độ) nhưng đến nay đã hơn 3 tuần, hải quan Raxaul vẫn chưa phê duyệt để kéo hàng ra.
Còn đối với 16 container hồ tiêu bị kẹt từ đầu tại Ấn Độ, các DN Việt Nam và đại lý hải quan đã làm hồ sơ xin tái xuất từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cho phép tái xuất. Đáng lo nhất là hiện một số container hồ tiêu của Việt Nam bị kiểm tra bởi Cơ quan Phòng chống gian lận thương mại Ấn Độ (DRI) khiến quá trình đưa hàng về Việt Nam kéo dài.
Thu hoạch hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai Ảnh: HOÀNG THANH
Trước tình hình trên, đại diện 15 DN hồ tiêu bị mắc kẹt khi xuất khẩu sang Nepal mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ làm việc với các cơ quan chức năng để linh hoạt, tạo điều kiện cho DN Việt Nam sớm đưa hàng về nước. Đặc biệt, những lô hàng này bị mắc kẹt do Nepal ban hành lệnh cấm nhập đột ngột, chưa thông qua các bước khai báo nhập khẩu nào. Do đó, container vẫn nguyên vẹn hiện trạng ban đầu với đầy đủ niêm chì từ phía hãng tàu nên không cần thiết phải thông qua DRI nhằm tránh kéo dài thêm thời gian và gây thêm tổn thất cho DN.
Theo VPA, trong vụ việc trên, các DN Việt Nam không có lỗi mà rủi ro xảy ra do Nepal ban hành lệnh cấm đột ngột đối với 5 mặt hàng, trong đó có hồ tiêu. "Ngày 25-3, Nepal ban hành văn bản cấm nhập khẩu hồ tiêu, có hiệu lực từ ngày 6-4 khiến các DN Việt Nam đã đưa hàng xuống tàu trước thời gian trên không trở tay kịp. Theo tìm hiểu thì sắn, chè của một số nước xuất khẩu sang Nepal cũng bị mắc kẹt như Việt Nam do lệnh cấm đột ngột" - đại diện VPA thông tin thêm.
Mỗi ngày mất 90 triệu đồng
Theo bà Phùng Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Nam International (TP HCM), các DN đã bị thiệt hại rất nặng nề và lo nhất là không biết bao giờ hàng mới về đến Việt Nam.
"Hàng bị mắc kẹt, vốn chôn ở đó, DN không có dòng tiền mà vẫn phải trả lãi vay ngân hàng. Các hãng tàu đã tạm tính tiền lưu bãi đến ngày 25-8 là 14.000 USD/container (hơn 300 triệu đồng), chi phí thuê đại lý hải quan 2.000 USD/container. Mong muốn của DN là các cơ quan chức năng giúp đỡ để Ấn Độ tạo điều kiện cho các DN đưa hàng về sớm, chậm 1 ngày là chi phí lại phát sinh nữa" - bà Huyền bày tỏ.
Bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trân Châu (TP HCM), cho hay DN có 22 container bị mắc kẹt với mức phí lưu kho bãi mỗi ngày 170 USD/container. Mỗi ngày mở mắt ra coi như DN bị mất khoảng 90 triệu đồng. "Hiện hãng tàu đã đồng ý giảm giá 50% phí này nhưng thời gian bị kẹt chưa biết đến khi nào nên thiệt hại chưa thể tính hết. Trường hợp tốt nhất là hàng được đưa về Việt Nam sớm thì DN cũng bị mất 50% giá trị lô hàng nhưng dù sao cũng còn hơn là mất trắng" - bà Hậu chia sẻ.
Theo bà Hậu, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu hồ tiêu trên thế giới giảm sút rất mạnh với lượng hàng xuất khẩu giảm đến 30%.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) ngày 20-8 cho biết sau nhiều nỗ lực hỗ trợ DN của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, hải quan Nepal đã cấp chứng nhận đủ điều kiện giải phóng hàng (NOC) cho các container hồ tiêu của DN Việt Nam mắc kẹt tại Nepal được tái xuất về nước. Tuy nhiên, để có thể về tới Việt Nam, lô hàng phải quá cảnh Ấn Độ và hiện các container hồ tiêu đang vướng thủ tục hải quan tại Ấn Độ.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, để làm việc với các cơ quan chức năng của Ấn Độ, nhằm hỗ trợ DN trong vấn đề này. Phía Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các DN trong hoạt động kinh doanh cần tìm hiểu kỹ thông tin về nước sở tại, thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như các phương thức thanh toán để hạn chế rủi ro. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN khi cần các thông tin này.
Cũng liên quan đến mặt hàng hồ tiêu, mới đây, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo về việc Ấn Độ có khả năng siết chặt tiêu chuẩn đối với hồ tiêu nhập khẩu. Để giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh với thị trường Ấn Độ, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN cần nắm thông tin, kiểm soát chất lượng hồ tiêu xuất khẩu và có biện pháp ứng phó trong trường hợp Ấn Độ đưa ra biện pháp chính sách đột ngột gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ.
Trả lời Báo Người Lao Động tối 20-8, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đang làm việc tích cực với phía Ấn Độ để giải quyết. Nhân viên Đại sứ quán liên tục giao thiệp với cơ quan chức năng Ấn Độ về việc này để thúc đẩy phía bạn giải quyết nhanh chóng.
D.Ngọc
Xuất khẩu hồ tiêu giảm 20%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 187.000 tấn hồ tiêu, đạt giá trị 405 triệu USD, giảm 6,5% về khối lượng và giảm 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng năm 2020 đạt 2.134 USD/tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và giá trị do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và dư cung. Các chuyên gia về thị trường nông sản dự báo: giá hồ tiêu sẽ giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong các tháng tới, sức mua được dự báo sẽ giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ trước làn sóng Covid-19 thứ 2.
Thêm vào đó, thảm họa thiên tai tại Trung Quốc, một trong các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam, sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong giai đoạn ngắn hạn. Trước tình hình trên, các chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi và thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế.
N.Ánh
Bình luận (0)