Một trường hợp tranh chấp nhưng 2 bên gửi mẫu nhận được kết luận ngược nhau: có xâm phạm quyền (thường gọi là làm nhái) - vi phạm và không đủ căn cứ kết luận xâm phạm quyền, nghĩa là không vi phạm.
Bất nhất
Bột bánh xèo Hương Xưa là sản phẩm chủ lực, có doanh số lớn trong các mặt hàng bột trộn do Công ty Liên doanh bột Quốc tế (Intermix, trụ sở tại TP HCM) sản xuất, phân phối trong và ngoài nước. Đầu năm 2017, thị trường xuất hiện bột bánh xèo của Công ty TNHH Liên doanh bột Sài Gòn (Vinamix, trụ sở tại Vĩnh Long, thành lập cuối năm 2016) có bao bì nhãn hiệu tương tự sản phẩm Hương Xưa.
Trong khi bột bánh xèo Hương Xưa dùng nhãn hiệu hình "vòng cung đỏ và chữ Intermix có gạch chân màu đỏ" đã được đăng ký bảo hộ thì Công ty Vinamix dùng nhãn hiệu bột bánh xèo Hương Quê có hình "vòng cung đỏ và chữ Vinamix có gạch chân màu đỏ" gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đại diện Công ty Vinamix đã thừa nhận xâm phạm quyền của Intermix. Sau đó, Vinamix đổi thiết kế nhãn hiệu thành "biểu tượng hình bông lúa và chữ Vinamix có gạch chân màu đỏ". Tuy nhiên, Intermix cho rằng mẫu sản phẩm mới của Vinamix vẫn nhái bao bì, nhãn hiệu của mình nên tiếp tục gửi mẫu giám định.
Hai bao bì sản phẩm đang có sự tranh cãi về sở hữu trí tuệ
Cụ thể, mẫu được gửi đến Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 23-3, được giám định trong thời gian từ ngày 24 đến 29-3. Văn bản kết luận số 103 ký ngày 29-3 kết luận: Dấu hiệu Vinamix và hình gắn trên bao gói sản phẩm bột bánh xèo của Công ty TNHH Liên doanh bột Sài Gòn… là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Intermix và hình được bảo hộ. Kết luận này còn nhận định với loại sản phẩm là bột bánh xèo, người tiêu dùng không mất nhiều thời gian để xem xét tỉ mỉ các yếu tố quá chi tiết nên có nhiều khả năng bị nhầm lẫn (2 sản phẩm của Intermix và Vinamix - PV). Đây là một trong những điều kiện để đánh giá yếu tố xâm phạm.
Ngày 24-3, bên bị cáo buộc là Công ty Vinamix, thông qua đại diện sở hữu trí tuệ cũng gửi mẫu đến Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để phản đối cáo buộc của Công ty Intermix. Mẫu này được giám định trong thời gian lâu hơn, từ ngày 27-3 đến 13-4, Văn bản kết luận số 108 ký ngày 13-4 lại kết luận: Không đủ căn cứ để khẳng định rằng dấu hiệu Vinamix và hình… là yếu tố xâm phạm quyền nhãn hiệu Intermix và hình được bảo hộ. Trong kết luận này, phần đánh giá khả năng gây nhầm lẫn, giám định viên lại cho rằng ít.
Điều đáng nói hơn là cả 2 mẫu đều được giám định bởi giám định viên Phạm Đình Chướng. Văn bản trả lời giám định đều do Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Nguyễn Hữu Cẩn ký.
Từ 2 văn bản bất nhất này cùng một số lý do khác, Chi cục QLTT TP HCM đã dừng thủ tục xử lý vi phạm hành chính và giải tỏa toàn bộ hàng hóa đang tạm giữ của Công ty Vinamix. Trước đó, ngày 28-3, Đội 5A, Chi cục QLTT TP HCM đã kiểm tra 3 điểm sản xuất kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền liên quan đến Công ty Vinamix sau khi thẩm tra, xác minh từ đề nghị xử lý vi phạm của Công ty Intermix.
Khó xử!
Kết quả giám định sở hữu trí tuệ ngược nhau khiến công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bị hạn chế. Các cơ quan thực thi tìm cách né tránh xử lý các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền (thường gọi là hàng nhái) vì "run tay" khi ban hành các quyết định xử phạt nếu dựa theo kết luận nay đúng, mai có thể sai từ cơ quan chuyên môn.
Hiện cả nước chỉ có tổ chức giám định trong lĩnh vực này là Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Cả viện này chỉ có 4 người đủ điều kiện hoạt động. Xem chi tiết về chuyên ngành giám định thì chỉ có 2 người đủ điều kiện giám định nhãn hiệu. Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ công bố cuối tháng 5-2017 cũng thừa nhận đây là một vấn đề bất cập lớn hiện nay.
Đại diện một công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ (văn phòng tại TP HCM) cho rằng "giám định" là chuyện phức tạp nhất hiện nay nên rất hạn chế nhận các vụ liên quan đến lĩnh vực này. Do đó, các dịch vụ pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ chủ yếu là "phòng ngừa", như giúp khách hàng đăng ký bảo hộ, giám sát thị trường, đàm phán với bên làm hàng nhái chấm dứt vi phạm. Tại văn phòng luật này đang tồn khá nhiều hồ sơ chưa thể giải quyết vì giám định.
"Năm 2014, phát hiện hàng hóa của nhãn hiệu văn phòng luật làm đại diện sở hữu trí tuệ bị làm nhái, chúng tôi gửi mẫu đến Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định và nhận được kết luận có xâm phạm. Sau đó, bên kinh doanh hàng nhái bị phạt đến 500 triệu đồng. Đầu năm 2017, chúng tôi phát hiện trường hợp tương tự, gửi mẫu giám định nhưng lại nhận được kết luận không xâm phạm. Từ đó, hàng nhái nhởn nhơ, chúng tôi chưa biết ăn nói sao với khách hàng" - đại diện văn phòng luật sư này bức xúc.
Luật sư nêu trên còn cho biết trước đây, cơ quan thực thi chủ yếu dựa vào ý kiến chuyên môn về sở hữu trí tuệ như Cục Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ làm căn cứ xác định có xâm phạm quyền hay không để xử phạt. Các văn bản này thường thống nhất nên cơ quan thực thi như công an, QLTT rất yên tâm khi ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các ý kiến chuyên môn, kết luận giám định chỉ được xem là một trong những nguồn thông tin, tài liệu tham khảo để các cơ quan thực thi kết luận có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có nghĩa là người có thẩm quyền ký quyết định xử phạt phải chịu toàn bộ trách nhiệm về pháp lý mà không có sự liên đới trách nhiệm của tổ chức giám định, cơ quan cho ý kiến chuyên môn.
Gây khó cho cơ quan quản lý
Tại các hội nghị về sở hữu trí tuệ, nhiều ý kiến cho rằng việc gửi mẫu đi giám định là không bắt buộc, cán bộ thực thi hoàn toàn có quyền tự quyết định là hàng có xâm phạm hay không để ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, các cán bộ thực thi lại không dám vì giám định sở hữu trí tuệ là lĩnh vực có chuyên môn sâu (việc cả nước chỉ 4 người có đủ điều kiện giám định là một minh chứng) nên cơ quan thực thi không có chuyên môn không dám tự đưa ra kết luận.
Bình luận (0)