Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã 4 năm liên tục ghi nhận sự trụ hạng của vị trí số 1 thuộc về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC). Vị trí á quân, liên tục trong 5 năm qua cũng chưa có ai đánh bật được đại gia phố núi Đoàn Nguyên Đức.
Hướng đến giới trẻ có thu nhập cao
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng năm 2013, TTCK chốt vị trí đầu bảng thuộc về ông Phạm Nhật Vượng với tổng giá trị tài sản lên đến 19.924 tỉ đồng, tăng hơn 2.595 tỉ đồng so với đầu năm. Dù là năm “kinh tế buồn” nhưng với đại gia Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ 284,6 triệu cổ phiếu VIC - 1 trong 3 cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trong rổ VN30 - thì việc tăng giá 15% của VIC đã khiến tổng tài sản của ông tăng gấp 5 lần so với năm 2007.
Năm 2013, ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng tỉ phú thế giới theo công bố của tạp chí Forbes. Tổng tài sản của ông Vượng tại thời điểm xếp hạng là 1,5 tỉ USD, trong đó đáng kể nhất là nhờ giá trị của 53% cổ phần trong Vingroup.
Trước đây, ông Phạm Nhật Vượng có thời gian kinh doanh thành công ở Đông Âu, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, sau đó rút vốn, tập trung đầu tư tại Việt Nam. Vingroup là tập đoàn đầu tư bất động sản (BĐS) do đại gia Phạm Nhật Vượng sáng lập trên cơ sở sáp nhập 2 công ty Vinpearl - chuyên doanh du lịch, khách sạn và Vincom - chuyên doanh BĐS, tổng vốn điều lệ hơn 7.000 tỉ đồng. Với ước mơ biến đường phố Hà Nội và TP HCM trở nên hiện đại như Singapore, Hồng Kông, ông Vượng tập trung vào các dự án BĐS siêu lớn, xây dựng khu đô thị phức hợp có cả bệnh viện, trường học, văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Vingroup hiện có danh mục đầu tư với 31 dự án BĐS quy mô lớn trong cả nước, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành, 3 dự án đang được xây dựng và phần còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch. Thị phần mà Vingroup hướng đến là phân khúc khách hàng trẻ có thu nhập cao.
Nguồn thu chủ yếu của Vingroup trong năm 2013 là bán các BĐS cao cấp. Từ quý III/2013, người dân Hà Nội nô nức đến khám phá 2 khu đô thị phức hợp có công trình ngầm dưới lòng đất là Vinhomes Royal City và Vinhomes Times City với hệ thống bán lẻ Mega Mall có diện tích lớn nhất Việt Nam. Cả 2 công trình này đều của Vingroup.
GS Nguyễn Mại, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng trước đây, Việt Nam muốn xây dựng một dự án lớn, có thể làm thay đổi bộ mặt như khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì phải dựa vào nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, 2 dự án Royal City và Times City do doanh nhân Việt làm còn hoành tráng hơn thế. “Đây là một dấu ấn đánh dấu sự lớn mạnh của doanh nhân Việt” - GS Nguyễn Mại nhận định.
Khai phá những thị trường mới
Khác với người ở ngôi vương, á quân Đoàn Nguyên Đức lại đang hướng đầu tư ra nước ngoài. Ông Đức hiện nắm giữ gần 7 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG), tương đương khoảng 6.390 tỉ đồng. Mặc dù năm 2013 gặp nhiều sóng gió với những cáo buộc thiếu cơ sở như “phá rừng”, “buôn lậu” đường nhưng tài sản của đại gia phố núi vẫn tăng khoảng 780 tỉ đồng nhờ giá chứng khoán tăng hơn 10%. HAGL nổi tiếng từ BĐS nhưng năm 2013, ông Đức đã tái cơ cấu tập đoàn, bán các dự án BĐS xấu cho Công ty Đầu tư BĐS An Phú để doanh nghiệp này tự xử lý.
Hiện nay, HAGL chỉ giữ các dự án BĐS tốt ở Việt Nam và tập trung đầu tư vào nông nghiệp kỹ thuật cao ở Lào, Campuchia và BĐS cao cấp tại Myanmar. Tổng giá trị đầu tư của HAGL tại Lào là 1 tỉ USD, tại Campuchia 300 triệu USD và tại Myanmar 440 triệu USD.
Đại gia phố núi hiện cũng là một trong những doanh nhân khai phá, tìm được cơ hội đầu tư tốt ở vùng đất mới Myanmar. Trong khi vùng đất mới mở cửa này đang “khát khách sạn”, dự kiến từ cuối năm 2014, HAGL bắt đầu có doanh thu đáng kể từ dự án đầu tư khách sạn 5 sao ở Yangon khi khách sạn này bắt đầu khai thác giai đoạn 1 với 200 phòng, giá cho thuê từ 200-300 USD/đêm.
Bình luận (0)