xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ chân các tập đoàn lớn

NHÓM PHÓNG VIÊN

Giải pháp cấp bách là đẩy nhanh lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế nhưng phải an toàn để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh

Ngày 5-10, một nguồn tin xác nhận với Báo Người Lao Động rằng không có chuyện Nike Việt Nam đóng cửa các nhà máy để dời sang quốc gia khác như một số trang báo nước ngoài thông tin. Theo nguồn tin này, Nike chỉ dịch chuyển đơn hàng sang nước khác nhằm ứng phó với giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Nike không rút khỏi Việt Nam

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cũng xác nhận việc Nike chuyển đơn hàng sản xuất sang các quốc gia khác chứ không có việc hãng sản xuất đồ thể thao này chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng lên tiếng bác bỏ thông tin Tập đoàn Nike rút khỏi Việt Nam, chuyển sản xuất sang Trung Quốc và Indonesia như thông tin xuất hiện trên các mạng xã hội gần đây.

Giữ chân các tập đoàn lớn - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp FDI đang đẩy nhanh các hoạt động sản xuất - kinh doanh sau thời gian đóng cửa để phòng chống dịch. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn LocknLock (Hàn Quốc) ở Đồng Nai .Ảnh: TẤN THẠNH

Chuỗi cung ứng của Nike nằm ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, khi các tỉnh phía Nam Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các nhà máy của doanh nghiệp (DN) này với hàng chục ngàn công nhân không thể triển khai "3 tại chỗ" và phải tạm đóng cửa. Việc dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác giúp chuỗi cung ứng không bị gián đoạn quá lâu và vẫn bảo đảm đúng tiến độ giao hàng cho đối tác. Do đó, không có chuyện chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam.

Các nhà máy của Nike Việt Nam ở khu vực phía Nam đều hy vọng nhận đủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho công nhân để sớm khôi phục sản xuất như trước. Để giảm chi phí, các nhà máy của Nike Việt Nam đề nghị các địa phương tránh xét nghiệm quá rộng ở những khu vực nguy cơ thấp và không đóng cửa DN nếu có F0.

Được biết, chuỗi cung ứng của Nike bao gồm 38 quốc gia. Ở Thái Lan, số lượng bệnh nhân Covid-19 cao gấp 3 lần ở Việt Nam nhưng chưa có nhà máy nào của Nike phải đóng cửa. Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch nhưng hầu hết các nơi chỉ ngừng hoạt động trong khoảng 3 tuần và dây chuyền sản xuất được khôi phục rất nhanh chóng.

Trước đó, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin một số hãng quần áo và giày dép của Mỹ đã đóng cửa các nhà máy tại Việt Nam và đang dịch chuyển sản xuất sang các nước khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số thương hiệu như PacSun, Nike còn khuyến cáo về ảnh hưởng nguồn cung hàng hóa từ các biện pháp phòng dịch tại Việt Nam. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến các DN và nhà đầu tư ở Việt Nam.

Theo đài CNN, Nike hiện sản xuất khoảng 3/4 tổng sản phẩm giày của họ tại Đông Nam Á, trong đó lần lượt tại Việt Nam và Indonesia là 51% và 24%. Từ cuối tháng 7 đến tháng 9, nhiều nơi tại Việt Nam áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19, gồm việc yêu cầu các nhà máy đóng cửa nếu không đáp ứng yêu cầu về "3 tại chỗ".

Trong tuyên bố tình hình kinh doanh gần đây, ông Matthew Friend, Giám đốc Tài chính của Nike, cho hay các nhà máy dự kiến khôi phục hoạt động theo lộ tình từ tháng 10-2021.

Đẩy nhanh lộ trình khôi phục

Liên quan đến việc Nike chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, một chuyên gia kinh tế phân tích việc nhà máy sản xuất của Pou Chen’s Corp với hơn 30.000 công nhân chuyên sản xuất gia công cho Nike đã tạm ngừng hoạt động 3 tháng nay và chỉ vừa khởi động lại từ đầu tháng 10 này thì chắc chắn trong vòng 2 tháng tới không thể đáp ứng được đơn hàng cho Nike. Do đó, việc Nike tìm thị trường thay thế có thể đáp ứng nguồn cung, tiến độ giao hàng trong lúc này là việc phải chấp nhận.

Không chỉ Nike mà Adidas cùng một số nhà sản xuất đa quốc gia cũng đang tổn thất lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại Việt Nam và đang phải tìm cách nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn vì Covid-19 thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-10, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết đến nay chưa có việc dịch chuyển các nhà máy của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khỏi Việt Nam. Nhưng tình trạng dịch chuyển các đơn hàng cho thấy Việt Nam cần sớm có giải pháp phù hợp để giữ chân các DN FDI, nếu không sẽ xảy ra sự dịch chuyển đầu tư.

Chủ tịch VAFIE đánh giá đây là một hiện tượng bình thường trong hội nhập kinh tế quốc tế và tình hình dịch bệnh vừa qua. Việc giãn cách xã hội ở TP HCM và các tỉnh phía Nam khiến việc sản xuất, lưu thông hàng hóa của DN bị đình trệ, chuỗi cung ứng hàng hóa bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm đều ảnh hưởng... Nhiều đơn hàng bị hủy nên DN phải chuyển đơn hàng sản xuất sang nước khác.

Theo các chuyên gia, đến nay chưa có việc dịch chuyển các nhà máy của DN FDI khỏi Việt Nam. Bởi, việc dịch chuyển một nhà máy đang hoạt động tại quốc gia này sang một quốc gia khác là không đơn giản, có thể mất hàng năm trời. Nhiều DN FDI cũng nhìn nhận việc dời một nhà máy sản xuất từ quốc gia này sang quốc gia khác đòi hỏi nhiều yếu tố, phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của DN và rất khó triển khai trong thời gian ngắn. Do đó, dịch chuyển đơn hàng mang yếu tố ngắn hạn nhiều hơn.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KoCham), cho hay nhiều DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam, đã gặp khó khăn dưới tác động của đại dịch. Các đơn hàng trong ngành dệt may, giày dép... giảm khoảng 30% trong khi đối tác ở nhiều nước châu Âu, Mỹ chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ, mua sắm lớn nhất năm là Noel, Tết dương lịch. Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nếu kéo dài sẽ thiệt hại đối với uy tín của Việt Nam.

"Dù các DN chưa di dời trong ngắn hạn nhưng môi trường sản xuất - kinh doanh của Việt Nam cần sớm trở về trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ DN khôi phục. Đẩy nhanh tiêm vắc-xin và áp dụng biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt hơn như rút ngắn thời gian cách ly đối với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ giúp củng cố lòng tin của cộng đồng DN. Bởi điểm đến Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác" - ông Hong Sun nói.

Dưới góc nhìn của Chủ tịch VAFIE, việc dịch chuyển các đơn hàng có thể xem là lời cảnh báo cho Việt Nam trong việc cần đưa ra các giải pháp phù hợp để giữ chân DN FDI, nếu không sẽ xảy ra sự dịch chuyển thực sự. Bởi nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu môi trường đầu tư đều đánh giá nếu sớm trở lại trạng thái bình thường mới thì Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn so với các nước còn lại trong khu vực. Tín hiệu lạc quan đến từ con số thu hút vốn FDI 9 tháng năm 2021 vẫn đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo