Có biết chắc nguồn gốc hàng hóa vào chợ không?
Làm việc với ban quản lý các chợ, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa vào chợ. Theo ông, các chợ phải quan tâm đến quy chuẩn để kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy nổ… Cụ thể, tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP HCM đặt câu hỏi liệu hàng vào chợ đầu mối, công ty quản lý có biết chắc được nguồn gốc hay không? Khi nghe trả lời là công tác quản lý chủ yếu dựa trên giấy tờ, bao bì, nhãn hiệu còn hàng hóa bên trong không thể biết được, nhiều trường hợp chỉ phân biệt bằng kinh nghiệm, ông Thăng yêu cầu xây dựng chợ văn minh hiện đại thì phải quản lý được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, cần nghiên cứu test nhanh, rút ngắn thời gian kiểm định.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khảo sát tại chợ đầu mối Hóc Môn
Theo ông Đinh La Thăng, thời gian qua các công ty quản lý, kinh doanh chợ đã có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực hoạt động và quản lý nhưng trong thời gian tới, cần khẳng định được vai trò quản lý của nhà nước đối với mạng lưới bán lẻ. Ngoài vấn đề kiểm soát cho được chất lượng hàng hoá, các chợ đầu mối có tiêu chuẩn, quy chuẩn để có cơ sở phân loại, đánh giá công khai. Mặt khác, xây dựng thương hiệu chợ phải triển khai từng điểm kinh doanh và thương nhân, gắn với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và truy xuất đơn vị sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp ổn định thị trường, giá cả và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản; góp phần hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
15-16 ngàn tấn thực phẩm tươi sống về chợ đầu mối/đêm
Báo cáo với đoàn công tác, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết không như 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền có kinh doanh ngành thịt, thủy hải sản, chợ đầu mối Thủ Đức chỉ kinh doanh hàng rau quả, trái cây. Trung bình, mỗi đêm có khoảng 3.000 – 3.500 tấn hàng về chợ, tháng Tết có thể tăng lên khoảng 4.500 tấn và cao điểm 27-28 tháng Chạp có thể lên đến 7.000 tấn. 70% - 80% có nguồn gốc từ các trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của các tỉnh thành trong cả nước, 20% - 30% còn lại chủ yếu là các mặt hàng ngoại nhập. Trong số đó, lượng rau củ Trung Quốc về chợ đã giảm đáng kể so với những năm trước, còn khoảng hơn 10% (mặt hàng rau củ) và 5% (mặt hàng trái cây) do tâm lý người dân e ngại hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nên giảm mua.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, dự kiến 4 ngày trước Tết Nguyên đán (27 - 30 tháng Chạp, tức ngày 24 đến 27-1), lượng hàng nhập chợ đạt trung bình 3.200 tấn/đêm, tăng 20% so với ngày bình quân năm 2016, tăng 10% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Trong đó, 27 tháng Chạp, lượng hàng nhập chợ đạt khoảng 5.300 tấn/đêm, tăng 100% so với ngày bình thường. Còn ngày 29 và 30 tháng Chạp, dự kiến lượng hàng về chợ sẽ giảm mạnh, tuy nhiên mặt hàng thịt heo đạt đỉnh với khoảng 800 tấn, tăng 120% so với ngày thường.
Ghi nhận của ban quản lý các chợ đầu mối cho thấy sản lượng hàng Tết về TP HCM thông qua các chợ đầu mối đang rất dồi dào, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, tình hình giá cả không có biến động nhiều. Một số ít sản phẩm tiêu thụ nhiều như thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, trái cây... có thể tăng giá vào thời gian cao điểm từ 10% đến 40%, so với ngày thường. Hoa tươi cắt cành có thể tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Một số thương lái, nhà vựa tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn TP HCM cũng khẳng định đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ để phục vụ thị trường Tết không lo thiếu.
Trước đó, đêm 22 rạng sáng 23-1, đoàn công tác đã đến khảo sát chợ đầu mối Bình Điền. Theo đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền, tổng sản lượng hàng hóa nhập chợ đêm 27 tháng Chạp đạt khoảng 3.800 tấn. Trong đó sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 850 tấn; trái cây 800 tấn; rau củ 1.400 tấn; riêng mặt hàng thủy hải sản sẽ giảm sản lượng chỉ còn khoảng 600 tấn; thủy hải sản khô cũng giảm vài tấn so với ngày thường.
Bình luận (0)