Trong 3 ngày Triển lãm Quốc tế máy móc, thiết bị và công nghệ Việt Nam do Sở Công Thương TP HCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tổ chức (từ ngày 12 đến 14-12) tại TP HCM, hơn 300 DN sản xuất sản phẩm đầu cuối của Hàn Quốc đã gặp gỡ trực tiếp hơn 150 DN trong nước nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Triển lãm Quốc tế máy móc, thiết bị và công nghệ Việt Nam
Trong các cuộc làm việc, trao đổi "tay đôi" (B2B), các DN Hàn Quốc đưa ra rất nhiều đơn hàng cần DN Việt Nam cung ứng. Ghi nhận từ các nhà mua hàng nước ngoài lẫn DN cung ứng trong nước, ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, đánh giá các tiêu chuẩn, yêu cầu mà nhà mua hàng đặt ra không quá khó với DN trong nước, nhất là những DN có thâm niên xuất khẩu. Tuy nhiên, hầu hết DN Việt còn gặp bất lợi do chưa thể cạnh tranh về giá với các DN nước ngoài: khó bảo đảm mức giá bằng hoặc thấp hơn các "đối thủ" nước ngoài do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, trang thiết bị. Tùy vào nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu thuộc quốc gia nào mà mức thuế nhập khẩu DN nội phải chịu có thể dao động từ 5%-15%. Trong khi đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu đang được hưởng mức thuế ưu đãi, thậm chí không chịu thuế nhập khẩu lẫn miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất… nên có nhiều lợi thế hơn.
Trước thực tế đó, các DN mong muốn có sự điều chỉnh hợp lý về thuế nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư đối với DN FDI cũng như với DN nội địa. Chính sách ưu đãi DN FDI của nhà nước cần có sự phân định rõ ràng hơn: chỉ ưu đãi cho những DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. Các DN này phải có trách nhiệm hỗ trợ DN trong nước hoàn thiện khả năng cung ứng.
Ông Lâm Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty Vision Equipment, cho rằng các chương trình kết nối giao thương đem lại nhiều cơ hội, giúp DN cập nhật các xu hướng, công nghệ hàng đầu của thế giới cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, đồng thời thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP, trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp TP trong thời gian tới.
TP HCM đã và đang triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp TP nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Trong đó, chú trọng tăng cường các hoạt động kết nối giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN đầu cuối, DN FDI. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm chuyên ngành, tạo điều kiện cho DN trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu lẫn nhau và của người tiêu dùng, qua đó mở rộng hợp tác.
Cần tiếp cận, chuyển giao công nghệ hiệu quả hơn
Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về khoảng cách công nghệ giữa DN trong và ngoài nước, vì vậy các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận công nghệ hiện đại hiệu quả hơn để phát triển thành quốc gia công nghiệp tiên tiến. Theo ông Kim Jung Yeol, Viện Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất Hàn Quốc (Kitech), cộng đồng DN Hàn Quốc không chỉ muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mà còn muốn chia sẻ những kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ vào thị trường Việt Nam. Song song đó, tạo ra những liên doanh, liên kết giữa cộng đồng DN hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Việt Nam và nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận (0)